Đây là nội dung nhận được nhiều sự chú ý của dư luận và là cơ sở quan trọng để thúc đẩy tinh thần “cấp nào thực hiện tốt thì giao cấp đó”, tránh tình trạng ôm việc, dẫn đến ách tắc.
Gỡ những điểm nghẽn
TP Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước về thực hiện phân cấp và có hệ thống văn bản quy phạm về phân cấp tương đối bao quát trong các ngành, lĩnh vực. Từ năm 2006 đến nay, HĐND TP đã ban hành 2 Nghị quyết và UBND TP ban hành 8 Quyết định về phân cấp quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội.
Hiện nay, TP đang thực hiện phân cấp đối với 15 ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND năm 2016 của HĐND TP và Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND năm 2021 của UBND TP. Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng đã thực hiện ủy quyền nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực nhằm góp phần cải cách hành chính, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tăng cường tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của cơ sở.
Thực tế cho thấy, nhiều lĩnh vực, việc phân cấp, ủy quyền phù hợp đã tạo ra hiệu quả. Như trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tại nhiều quận, huyện, đạt tỷ lệ giải ngân cao bởi người đứng đầu đã thực sự vào cuộc trong trách nhiệm được phân quyền, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những vướng mắc, nhiều lĩnh vực việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, dẫn đến trồng chéo, ách tắc. Nhiều bất cập trong thực tiễn đã từng được nêu ra như việc quận, huyện có nguồn lực nhưng không thể đầu tư cho một số lĩnh vực bởi cấp mình không được phân cấp quản lý như một số di tích, trường THPT, hệ thống chiếu sáng, cây xanh…
Việc Hà Nội thực hiện rà soát tổng thể về phân cấp, ủy quyền và HĐND TP đã thông qua Nghị quyết, Đề án về vấn đề này chính là một bước đột phá, phù hợp với tình hình hiện nay. Với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội vừa được thông qua đã bóc tách các nhiệm vụ, thủ tục hành chính (TTHC) để phân cấp, ủy quyền một cách triệt để cho cấp huyện. Trong đó, phân cấp, ủy quyền đối với 634 TTHC, đạt 35,5% TTHC cấp TP. Đối với nhiệm vụ quản lý Nhà nước, ít nhất cũng có khoảng 210 nhiệm vụ chính trong 15 lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền.
Với Nghị quyết về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, thay thế Nghị quyết số 08 năm 2016 của HĐND TP (riêng về việc thực hiện thủ tục đầu tư theo phân cấp, ủy quyền tại Quy định kèm theo Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 22/9/2023) cũng bổ sung phân cấp đối với 9 nhiệm vụ. Nhiều lĩnh vực đã có sự phân cấp mạnh hơn trong quản lý như với đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với chiếu sáng, thoát nước; đầu tư chợ, trường học...
Như TP cũng chỉ quản lý sau đầu tư 10 di tích quan trọng; phân cấp cho cấp huyện đầu tư các chợ (đối với các chợ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước) hạng 1, 2, 3; phân cấp đầu tư, cải tạo sửa chữa, duy tu, bảo trì cơ sở vật chất các trường THPT (hiện do cấp TP đầu tư, quản lý sau đầu tư)…. Đồng thời với nhiều lĩnh vực, đã giúp giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện có nguồn lực tốt, tăng tính chủ động, cải cách hành chính thực chất.
Đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn
Như nhiều ý kiến đã nhận định, phân cấp, ủy quyền là một nhiệm vụ khó, phức tạp, có tính bao quát rộng trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tính khả thi phụ thuộc nhiều yếu tố như năng lực bộ máy cán bộ, nguồn lực về tài chính…
Để Đề án phân cấp, ủy quyền đạt được hiệu quả như kỳ vọng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường công tác hướng dẫn cho các quận, huyện, thị xã. Sau khi Nghị quyết, Đề án được thông qua, UBND TP sẽ ban hành quyết định về các thủ tục phân cấp, các thủ tục ủy quyền, trong đó gắn với thời hạn ủy quyền. Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực để tiếp tục rà soát, xây dựng đồng bộ quy định; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quy trình tổ chức triển khai thực hiện.
Khi phân cấp 35,5% các TTHC cho cấp dưới, trong khâu tổ chức thực hiện, điều kiện tổ chức thực hiện ở các quận, huyện không giống nhau, TP phải có sự điều chỉnh, tạo điều kiện về nguồn lực, con người, cơ sở vật chất để các đơn vị thực hiện được phân cấp. Trong nội bộ cơ quan quận, huyện phải có quy trình nội bộ để giải quyết thuận lợi công việc.
Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam
Đồng thời rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của TP để đảm bảo nguồn lực thực hiện phân cấp; rà soát về TTHC, giảm thời gian thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện phân cấp theo ngành, lĩnh vực
Với Nghị quyết, Đề án lần này, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện ở Hà Nội đều kỳ vọng việc phân cấp, ủy quyền triệt để sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, DN; giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Vấn đề tiếp theo là có những hướng dẫn cụ thể về lộ trình, rõ quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, tránh những vướng mắc trong thực tiễn.
Để thực thi hiệu quả, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, việc phân cấp ủy quyền phải tạo được hành lang, cơ chế pháp lý rõ, làm đồng bộ, không gây khó khăn trong triển khai. Ngoài sự lãnh đạo toàn diện của TP, cần thiết có sự phối hợp của các sở, ngành để tháo gỡ các nút thắt, để chính sách đi vào cuộc sống.
Dưới góc độ DN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn nhận định, phân cấp có nhiều tác động đến xã hội song tới DN rất rõ nét, giúp tạo chủ động, hỗ trợ giải quyết các TTHC và giảm thời gian phải trình các cấp.
“Chúng tôi đã được lắng nghe nhiều ý kiến từ những DN phải thường xuyên làm các thủ tục liên quan đầu tư, cho thấy họ đang phải thực hiện nhiều thủ tục, dẫn tới cơ hội đầu tư và năng suất lao động giảm. Do đó phân cấp sẽ giúp họ rất nhiều, đồng thời góp phần giảm bớt lãng phí của xã hội. Tuy nhiên, để phân cấp tốt, đòi hỏi người đứng đầu các đơn vị, địa phương tăng trách nhiệm khi mình được phân cấp, cán bộ chuyên viên thực hiện nâng cao năng lực” – ông Lê Vĩnh Sơn bày tỏ.
Trên cơ sở pháp lý đã có, với Nghị quyết, đề án này, tập trung xây dựng được quy định, quy trình ủy quyền cụ thể và triệt để, việc phân cấp mới thực sự đạt hiệu quả. Cùng đó, đảm bảo sự liên thông trong quá trình thực hiện, nếu xảy ra sai sót ở khâu nào thì có chỉ đạo xử lý ngay, để bảo đảm thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm. Từ đó, khơi thông được nguồn lực, có bứt phá mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Phân cấp là nguyên tắc quản trị tiên tiến tại bất kỳ xã hội nào và TP Hà Nội cũng đã triển khai từ nhiều năm, khắc phục hạn chế qua các giai đoạn các thời kỳ, góp phần giải quyết các vấn đề nóng… Song, để bảo đảm tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, đề nghị TP tăng cường hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho cấp huyện, nhất là trong thực hiện các TTHC với những trường hợp phức tạp…, giúp sâu sát hơn trong triển khai phối hợp xử lý; có tổng kết với từng địa phương, lĩnh vực và từng nội dung phân cấp.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam