Phân cấp, ủy quyền về thủ tục hành chính: Vì sao là yêu cầu cấp thiết?

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc tăng cường phân cấp, ủy quyền trong thực hiện thủ tục hành chính từ UBND TP về các Sở, ngành chuyên môn, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phân cấp, ủy quyền trong thực hiện thủ tục hành chính sẽ rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp.
Phân cấp, ủy quyền trong thực hiện thủ tục hành chính sẽ rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp.

Thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính ở các cơ quan gần dân còn ít

Qua rà soát của Văn phòng UBND TP Hà Nội, hiện nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) trên toàn địa bàn TP gồm có 1.895 thủ tục. Trong đó, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP/Chủ tịch UBND TP là 347 TTHC, chiếm 18,32% TTHC toàn TP. TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ngành chuyên môn thuộc TP là 1.175 TTHC, chiếm 62%.

TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND/Chủ tịch UBND cấp huyện là 263 TTHC, chiếm 13,88%. TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND/Chủ tịch UBND cấp xã là 110 TTHC, chiếm 5,8%.

Như vậy, số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP/Chủ tịch UBND TP và các Sở ngành chuyên môn thuộc TP vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số TTHC toàn TP.

Trong đó, một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP/Chủ tịch UBND TP, thời gian giải quyết dao động từ 3-15 ngày làm việc. Theo đánh giá của Văn phòng UBND TP, trên thực tế, do khối lượng công việc lớn, thời gian giải quyết một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của TP vượt quá thời gian so với quy định.

Số lượng các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ngành chuyên môn thuộc TP chiếm tỷ lệ lớn nhất trong TTHC toàn TP, dẫn đến tình trạng quá tải trong tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Ví dụ thủ tục “Cấp phiếu lý lịch tư pháp” tại Sở Tư pháp, các thủ tục về đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường) tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, các TTHC đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư,… thời gian giải quyết quá hạn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết TTHC.

Mặc dù TP đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tăng cường cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, tuy nhiên một bộ phận người dân vẫn có thói quen, tâm lý muốn đến trực tiếp các cơ quan để nộp và nhận kết quả giải quyết TTHC; trong khi, việc đi lại giữa các địa phương, đến các Sở ngành thuộc TP để thực hiện các TTHC còn nhiều khó khăn. Ví dụ như người dân tại các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Ba Vì đến Sở Tư pháp (quận Hà Đông) để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp...

Thành phố hướng đến xây dựng Chính quyền đô thị hiện đại, chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tại cấp huyện, cấp xã được nâng cao, đáp ứng tốt các yêu cầu công vụ. Trong khi đó, số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại UBND cấp huyện và UBND cấp xã - là những cơ quan gần dân nhất vẫn còn chiếm số lượng ít.

Vì vậy, việc phân cấp, ủy quyền trong thực hiện TTHC từ UBND TP/Chủ tịch UBND TP về các Sở, ngành chuyên môn, UBND cấp huyện, UBND cấp xã cần được đẩy mạnh, tăng cường và là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước và người dân

Để thực hiện phân cấp, ủy quyền trong thực hiện TTHC, Văn phòng UBND TP đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị rà soát, bóc tách các thủ tục hành chính. Qua đó, tổng số TTHC đề xuất phân cấp, ủy quyền là 527 TTHC, chiếm 29,5% TTHC cấp Thành phố và cấp huyện.

Phân cấp, ủy quyền trong thực hiện thủ tục hành chính sẽ phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. 
Phân cấp, ủy quyền trong thực hiện thủ tục hành chính sẽ phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. 

Qua quá trình rà soát, Văn phòng UBND TP đã đề xuất phân cấp, ủy quyền số lượng TTHC tăng so với số lượng các Sở, ngành đề xuất, bảo đảm mục tiêu của phương án phân cấp, ủy quyền, đạt tỷ lệ ít nhất 20% tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý của UBND TP, các Sở, ngành, UBND cấp huyện.

Việc phân cấp, ủy quyền từ Chủ tịch UBND TP sang cho Giám đốc các Sở, ngành; UBND TP ủy quyền cho các Sở, ngành TP; phân cấp cho UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền các Trưởng phòng chuyên môn; UBND cấp huyện ủy quyền cho các phòng chuyên môn giải quyết TTHC.

Việc phân cấp, ủy quyền dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính đồng bộ, tính hệ thống, tính liên tục, không trùng, không sót trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, việc phân cấp, ủy quyền cũng cần đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác của cơ quan nhận ủy quyền, phân cấp.

Phương án phân cấp, ủy quyền trên bảo đảm phân cấp giữa cấp chính quyền địa phương của Thành phố theo hướng: “Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”; vừa bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đồng thời đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành với ngành và giữa ngành với cấp trong quản lý theo ngành, lĩnh vực và quản lý theo địa bàn.

Có thể thấy, việc phân cấp, ủy quyền như trên sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC; giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ của TTHC, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và điều kiện thuận lợi để khuyến khích đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Ngoài ra, việc phân cấp, ủy quyền sẽ giảm tải áp lực cho các Sở, ngành trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, tăng chất lượng giải quyết TTHC, cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của TP.