Trong thông báo trên truyền hình, Tổng thống Niinistö nhấn mạnh: “Đây là một quyết định mang tính lịch sử và Phần Lan bắt đầu một kỷ nguyên mới. Còn Thủ tướng Marin nhấn mạnh: Phần Lan gia nhập NATO để đảm bảo trong tương lai trên đất Phần Lan không còn có chiến tranh.
Ngày 16/5, nghị viện Phần Lan nhóm họp để thảo luận và bỏ phiếu về quyết định của Tổng thống và Chính phủ để tiến tới chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Qua các cuộc thăm dò, đến nay 141/200 nghị sĩ đã đồng ý việc gia nhập NATO của Phần Lan.
Để đi đến quyết định này, hơn 2 tháng nay trên các phương tiện truyền thông Phần Lan liên tiếp diễn ra rất nhiều các cuộc tranh luận về việc nước này có nên gia nhập NATO hay không? Cùng với đó là nhiều cuộc thăm dò dư luận người dân về vấn đề này. Nếu như trước khi Nga tấn công Ucraina, tỉ lệ ủng hộ chỉ 43%, thì theo cuộc thăm dò gần nhất (9/5) tỉ lệ ủng hộ đã lên tới 76%.
Cũng trong ngày 15/5, Thủ tướng Magdalena Andersson, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển cho biết nước này cũng sẽ chính thức gửi đơn sẽ từ bỏ 200 năm không liên minh quân sự và xin gia nhập NATO cùng với nước láng giềng Phần Lan. Đồng thời Thụy Điển cũng sẽ phê duyệt đơn đăng ký của nước này để sớm chính thức gửi đơn gia nhập NATO. Việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO sẽ làm thay đổi cấu trúc an ninh ở Bắc Âu. Nó cũng sẽ cao hơn gấp đôi chiều dài đường biên giới của NATO với Nga, vốn đã đe dọa "những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng".
Phần lớn lãnh đạo các quốc gia lớn trong khối NATO lên tiếng ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, trừ Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan đưa ra lý do cho việc phản đối của nước này là vì Thụy Điển và Phần Lan có sự hậu thuẫn đối với tổ chức người Kurdistan (PKK), một tổ chức đã chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hàng thập kỷ qua.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, trong giai đoạn tạm thời, NATO sẽ “tìm cách cung cấp các biện pháp đảm bảo an ninh, bao gồm bằng cách tăng cường sự hiện diện của NATO ở khu vực Baltic, trong và xung quanh Phần Lan và Thụy Điển”. Tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã ký thỏa thuận trợ giúp quân sự với Thụy Điển và Phần Lan nếu hai nước này bị tấn công trong thời gian chờ đợi trở thành thành viên chính thức của NATO.
Cả Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, đều đã lên tiếng ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên chính thức của NATO. Còn Annalena Baerbock, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, cho biết không nên chậm trễ trong việc đưa Thụy Điển và Phần Lan vào NATO.