Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phản ứng của thị trường dầu sau khi OPEC+ hoãn kế hoạch tăng sản lượng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tăng hơn 1 USD trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi OPEC+ thông báo lùi kế hoạch tăng sản lượng đến tháng 12 do nhu cầu yếu và nguồn cung từ bên ngoài khối gia tăng.

Giá dầu tăng mạnh trong ngày 4/11 sau khi OPEC+ hoãn kế hoạch tăng sản lượng đến tháng 12. Ảnh: Brecorder
Giá dầu tăng mạnh trong ngày 4/11 sau khi OPEC+ hoãn kế hoạch tăng sản lượng đến tháng 12. Ảnh: Brecorder

Trong phiên giao dịch ngày 4/11, giá dầu Brent tăng 1,39 USD mỗi thùng, tương đương 1,9%, lên mức 74,48 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ WTI cộng 1,41 USD, khoảng 2%, lên mức 70,90 USD/thùng.

Trước đó, hôm 3/11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên khác ngoài khối gồm Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+, tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch giảm sản lượng hiện tại đến tháng 12.

Theo thông báo của OPEC+,  Ả Rập Saudi - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - cùng 7 thành viên khác trong liên minh là Nga, Algeria, Iraq, Kazakhstan, Kuwait, Oman và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) thống nhất giữ nguyên chương trình cắt giảm sản lượng mà họ đang thực hiện cho tới hết tháng 12.

Trước đó, 8 quốc gia này đã có ý định rút lại chương trình cắt giảm sản lượng tự nguyện, đồng nghĩa tăng sản lượng khai thác dầu trở lại, với mức tăng 180.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, kế hoạch tăng sản lượng sẽ được hoãn lại 1 tháng do giá dầu tiếp tục lao dốc. Trong 12 tháng qua, các nước này đã tự nguyện giảm sản lượng dầu thổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày.

Tuyên bố ngày 3/11 của OPEC+ cũng tái khẳng định cam kết của Iraq, Nga và Kazakhstan về thực thi đúng quy định cắt giảm sản lượng dầu. Trước đó, các nước này đã khiến các thành viên khác trong liên minh, nhất là Ả Rập Saudi, bất bình vì khai thác nhiều dầu hơn mức hạn ngạch được phân bổ.

Giới chuyên gia nhận định, việc trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng thêm một tháng nữa cũng cho phép OPEC+ có thêm thời gian để quyết định mức sản lượng cho năm 2025, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya tại Ngân hàng Swissquote nhận định với hãng tin AFP: “ Quyết định giữ nguyên kế hoạch giảm sản lượng của OPEC+ là phản ứng hợp lý khi giá dầu đang chịu áp lực suy yếu do nhu cầu  nhiên liệu trên toàn cầu, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong khi nguồn cung từ các nước ngoài OPEC dồi dào".

Giá dầu Brent đã giảm khoảng 14% trong vòng 12 tháng qua, một phần do mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc. Giá dầu Brent và WTI tuần qua giảm lần lượt 4% và 3% do sản lượng dầu của Mỹ tăng kỷ lục.

Tuần này, thị trường đang chờ đợi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11. Ứng cử viên của Đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump – từng tuyên bố rằng ông muốn giá năng lượng giảm một nửa trong vòng 1 năm sau khi ông nhậm chức nếu tái đắc cử. Bên cạnh đó, các nhà kinh tế dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách vào ngày 7/11 tới.

Chuyên gia năng lượng Jorge Leon tại Rystad Energy cho biết, OPEC+ đang ngóng kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vốn sẽ "có tác động đáng kể đến thị trường dầu". “Tôi không chắc chắn ai là người mà OPEC+ ưa thích hơn, song nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nếu ông Donald Trump thắng cử đang đe dọa triển vọng phục hồi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu” – chuyên gia Leon lưu ý thêm.

Theo các nhà phân tích của ngân hàng ING (Hà Lan), động thái mới nhất có thể khiến thị trường phải đánh giá lại chiến lược của OPEC+. Quyết định trên trái với kỳ vọng của thị trường về việc OPEC+ sẽ bắt đầu nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng, đồng thời cho thấy nhóm này có thể sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ giá dầu mạnh hơn dự kiến.

Nhóm OPEC+ dự kiến sẽ dần nới lỏng thỏa thuận giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong những tháng tới, trong khi kế hoạch cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày sẽ được duy trì đến cuối năm 2025. Các thành viên OPEC+ sẽ cuộc họp trực tiếp vào ngày 1/12 tại Vienna, Áo để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.