Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phan Văn Vĩnh lĩnh án 9 năm tù, Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù

Đạt Lê - Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 30/11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát) 9 năm tù, Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50) 10 năm tù, cùng về tội Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

2 cựu tướng công an lĩnh án cao hơn mức đề nghị
Ngày 30/11, sau gần 20 ngày xét xử và nghị án, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên án đối với 92 bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ. Trong các bị cáo này có 2 cựu tướng công an là ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa.
HĐXX phiên tòa tuyên 9 năm tù giam đối với ông Phan Văn Vĩnh về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ". Cùng tội danh, cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù. Ngoài ra, 2 cựu tướng công an bị phạt bổ sung mỗi người 100 triệu đồng. Hình phạt với 2 bị cáo cao hơn mức đề nghị của VKS (Phan Văn Vĩnh từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thanh Hóa từ 8 năm đến 8 năm 6 tháng tù).
HĐXX nhận định, bị cáo Phan Văn Vĩnh khi đương chức Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát ký quyết định công nhận CNC là công ty bình phong trái quy trình của Bộ Công an. Sau đó, ông Vĩnh đồng ý cho CNC thuê trụ sở đơn vị tại số 10 Hồ Giám gây cản trở hoạt động xác minh, xử lý của cơ quan chức năng đối với game bài Rikvip… Theo HĐXX, với vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, ông Vĩnh đáng lẽ phải kiên quyết đấu tranh với tội phạm thì lại tiếp tay, nên cần cách ly một thời gian. Bị cáo là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra...
Đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, HĐXX cho rằng, bị cáo Hóa có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng cần phải xử lý thật nghiêm minh, cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian. Qua quá trình xét xử, tòa tuyên phạt ông Hóa 10 năm tù. Bản án của TAND tỉnh Phú Thọ đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cao hơn so với đề nghị của đại diện VKS cùng cấp tại phần luận tội. Trong quá trình tòa tuyên án, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Sáng cùng ngày, chủ tọa phiên tòa nhận định, đối với hành vi phạm tội của 2 bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng uy tín của ngành công an, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm lòng tin của người dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật.
Việc đưa 2 bị cáo ra xét xử thể hiện sự kiên quyết quyết liệt trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng không vùng cấm, không ngoại lệ, thể hiện sự bình đẳng của pháp luật kể cả những người có chức vụ cao, có nhiều thành tích trong công tác phòng chống tội phạm.
Nguyễn Văn Dương lĩnh án 10 năm tù, Phan Sào Nam 5 năm tù
Tòa cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐQT công ty CNC) 5 năm tù về tội "Tổ chức đánh bạc", 5 năm tù về tội "Rửa tiền", tổng hợp hình phạt là 10 năm tù; bị cáo Phan Sào Nam (cựu Tổng giám đốc công ty VTC Online) 2 năm tù về tội "Tổ chức đánh bạc" và 3 năm tù về tội "Rửa tiền", tổng hợp hình phạt là 5 năm tù.
Theo bản án được HĐXX công bố sáng 30/11 xác định, Nguyễn Văn Dương đã lợi dụng việc Công ty CNC là công ty nghiệp vụ của C50 nên đã hợp tác với Phan Sào Nam vận hành game bài đánh bạc trái phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Số tiền bị cáo Dương được hưởng lợi bất chính từ hành vi phạm tội là hơn 1.600 tỷ đồng.
Các bị cáo nghe tuyên án chiều 30/11.
Bị cáo Dương hợp thức hóa số tiền bất chính bằng cách chuyển tiền lòng vòng qua nhiều lớp, đầu tư vào các dự án,… Hành vi trên của Nguyễn Văn Dương đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Tổ chức đánh bạc” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 249; tội phạm “Rửa tiền” quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 251 - Bộ luật Hình sự năm 1999…
Trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn Dương đã tự thú về việc cho C50 phần mềm diệt virus và 700 triệu đồng, riêng lời khai cho Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tiền và tài sản đến nay chưa làm rõ được nên tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau. Thực hiện chính sách khoan hồng của nhà nước, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội Đưa hối lộ.
Tại tòa, bị cáo Phan Sào Nam thành khẩn khai báo. Bị cáo Nam khai do thiếu hiểu biết nên đã vi phạm pháp luật. Đối với bản luận tội của VKS, Phan Sào Nam đồng ý và xin HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để có mức án dưới khung hình phạt.
Ở phần nhận định HĐXX đọc sáng 30/11, xác định Phan Sào Nam là người có trình độ về công nghệ nhưng do tư lợi nên Nam đã đồng ý với đề xuất của Hoàng Thanh Trung (Công ty Nam Việt, đã bỏ trốn) hợp tác vận hành game bài đánh bạc. Sau đó, Nam đã tìm đến Dương để bàn về việc hợp tác phát hành game bài đánh bạc vì biết Công ty CNC của Dương là bình phong của C50.
Hành vi của Nam bị cáo buộc là người khởi xướng, còn Dương là người cầm đầu, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Số tiền mà Phan Sào Nam được hưởng lợi từ hành vi phạm tội là hơn 1.400 tỷ đồng. Khi có số tiền này, Nam đã đầu tư vào các công ty, mua bất động sản, gửi người thân để hợp thức số tiền “bẩn” này. Bản án xác định, hành vi của Phan Sào Nam phạm 2 tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”…
Đối với "bóng hồng" Lưu Thị Hồng (nguyên Tổng giám đốc CNC), tòa tuyên mức án 1 năm 3 tháng tù giam tính từ thời điểm bị bắt giữ phục vụ điều tra. Bị cáo Hồng được thả tự do tại tòa do khấu trừ thời gian tạm giữ. Ngoài ra, bị cáo này bị phạt 50 triệu đồng; nộp toàn bộ số tiền do thu hồi bất chính từ việc tổ chức đánh bạc; bị cáo Phan Thu Hương (dì ruột của Phan Sào Nam) nhận mức 3 năm tù treo, thời gian thử thách 5 năm.
Bị cáo Lê Thị Lan Thanh 2 năm tù tội đánh bạc, nộp 450 triệu mua bán hóa đơn, nộp bổ sung 30 triệu đồng; bị cáo Nguyễn Thị Dung phạt 250 triệu đồng... Đối với các bị cáo là đại lý cấp 1, HĐXX tuyên mỗi bị cáo nhận mức án 3 năm tù giam, phạt mỗi bị cáo 30 triệu đồng. Các bị cáo là đại lý cấp 2, phạt 3 năm tù treo, nộp phạt 30 triệu đồng. Các bị cáo phạm tội đánh bạc nhận mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; nộp toàn bộ số tiền đánh bạc vào ngân sách nhà nước...

Các nhà mạng không phải chịu trách nhiệm

Tại phiên tòa, ngày 30/11, theo bản án, các nhà mạng không thể kiểm soát hết được thẻ cào đã phát hành bởi pháp luật còn nhiều quy định phức tạp. Vì thế, họ không phải chịu trách nhiệm khi người mua sử dụng thẻ cào viễn thông vào việc nạp tiền đánh bạc trực tuyến. Tổng số tiền các nhà mạng được hưởng là 1.200 tỷ đồng. Trong đó, Viettel là 913 tỷ đồng, còn bị truy thu hơn 200 tỷ đồng. Vinaphone hưởng 147 tỷ đồng, phải nộp lại 13 tỷ đồng. MobiFone được hưởng 171 tỷ đồng, phải nộp lại 15 tỷ đồng. Đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh do đánh bạc mà có. Vì thế việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý (vi phạm khoản 1 điều 10 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP), cần truy nộp Ngân sách Nhà nước.