Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Pháo tự hành Gepard của Đức sẽ giúp Ukraine giành lợi thế trước Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia quân sự cấp cao Nga khẳng định hệ thống pháo tự hành Gepard do Đức sản xuất sẽ không thể giúp Ukraine lật ngược tình hình trên chiến trường.

 Chính phủ Đức tuần trước thông báo gửi thêm 3 pháo tự hành Gepard cho Ukraine. Ảnh: Eeuromaidanpress.com
 Chính phủ Đức tuần trước thông báo gửi thêm 3 pháo tự hành Gepard cho Ukraine. Ảnh: Eeuromaidanpress.com

Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin ngày 22/10 nói với Sputnik rằng các hệ thống pháo phòng không Gepard được Berlin gửi cho Kiev không đủ khả năng chống lại máy bay không người lái (UAV) cảm tử Lancet của Nga.

Theo ông Litovkin, mặc dù quân đội Ukraine đã nhận được tổng cộng 34 hệ thống pháo tự hành Gepard, nhưng loại vũ khí do Đức sản xuất khó có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế trên chiến trường.

Chuyên gia quân sự Nga giải thích thêm rằng hệ thống phòng không này chỉ được trang bị hai nòng pháo 35 mm và có tầm bắn 4,8 km, do đó khả năng nhắm mục tiêu vào máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của Gepard không cao.

“Tôi không biết lực lượng vũ trang Ukraine sẽ giành được lợi thế gì nhờ sự hỗ trợ của hệ thống pháo Gepard. Trên thực tế, để bảo vệ quân đội trong cuộc tấn công, cần có một tổ hợp nhiều hệ thống phòng không và trạm radar khác nhau hoạt động ở phạm vi lên tới 150km” - ông Litovkin cho hay.

Bình luận về điểm yếu của hệ thống Gepard trước các UAV, chuyên gia Litovkin cho rằng hệ thống phòng không do Đức sản xuất có thể sẽ không đạt hiệu quả tối đa trước các máy bay không người lái cảm tử của Nga, chẳng hạn như Lancet.

Pháo tự hành Gepard do hãng quốc phòng Krauss Maffei-Wegmann (KMW) chế tạo từ những năm 1960, được quân đội Đức chính thức sử dụng vào thập niên 1970. Tuy nhiên, hãng quốc phòng Krauss Maffei-Wegmann đã dừng sản xuất loại vũ khí này từ năm 2010.

Gepard là một pháo phòng không tự hành thiết giáp và hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống phòng không này có hiệu quả không chỉ trước máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tên lửa mà còn cả UAV.

Chính phủ Đức hồi tuần trước thông báo đã thực hiện một đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm pháo tự hành Gepard, UAV và xe tải hạng nặng.

Gói viện trợ quân sự mới nhất của Berlin dành cho Kiev gồm: 20 máy bay không người lái trinh sát RQ-35 Heidrun và 20 máy bay không người lái Vector; 3 xe đầu kéo HX81 cùng 3 sơ mi rơ moóc, 13 xe tuần tra và gần 3.900 quả đạn pháo khói DM125 155 mm.

Gói viện trợ mới cũng bao gồm 3 pháo tự hành Gepard, giúp tăng cường khả năng phòng không của Ukraine trước tên lửa hành trình và máy bay không người lái kamikaze.

Trước đó, ngày 17/10, Nhà Trắng xác nhận Mỹ đã chuyển giao cho Kiev hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 165 km.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Mỹ và các đồng minh đã đẩy mạnh việc hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Về phần mình, Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng các nước NATO đang "đùa với lửa" khi liên tục chuyển giao các vũ khí tấn công cho Ukraine. Điện Kremlin chỉ trích việc phương Tây hỗ trợ quân sự cho Kiev sẽ làm leo thang cuộc xung đột hiện tại. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Nga coi tất cả vũ khí được các nước phương Tây chuyển giao cho Ukraine là mục tiêu quân sự hợp pháp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/10 cho biết cuộc phản công của Ukraine đã hoàn toàn thất bại sau khi được phát động từ đầu tháng 6. Ông Putin cũng xác nhận thương vong của Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến dịch phản công lên tới "hơn 90.000 người", 557 xe tăng và 1.900 xe bọc thép.

Từ đầu tháng 6, quân đội Ukraine đã thực hiện chiến dịch phản công với mục tiêu cắt đứt hành lang trên bộ của Nga tới bán đảo Crimea ở phía Nam Ukraine. Tuy nhiên, phía Moscow tuyên bố, lực lượng Kiev hiện mới chỉ giành được một số ngôi làng nhỏ nằm cách xa các tuyến phòng thủ chính của Nga.