Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng của Thủ đô: Không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp

Bình Minh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội cần có cơ chế mạnh để thu hút DN tham gia chuỗi lúa gạo. Đó là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa với báo Kinh tế & Đô thị xoay quanh vấn đề phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng của Thủ đô trong thời gian tới.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc

Xin bà cho biết định hướng phát triển trong thời gian tới và giải pháp để nâng cao hơn nữa giá trị của sản phẩm lúa gạo Thủ đô?

Với mục tiêu hướng tới xuất khẩu gạo, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng toàn TP đạt trên 80%. Qua đó, duy trì và phát triển 80 - 100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. TP sẽ triển khai các gói hỗ trợ phát triển công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản gạo giống Japonica nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gạo Hà Nội. Hình thành thêm ít nhất 2 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gạo Hà Nội nhằm mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica chất lượng cao, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Để đạt được mục tiêu phát triển vùng lúa chất lượng trong giai đoạn 2021 - 2025. Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội là đơn vị được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ thực hiện chính sách hỗ trợ các hợp tác xã tại các huyện với quy mô trung bình 800ha/vụ. Các hợp tác xã đều phải đạt tiêu chí hoạt động hiệu quả trong dịch vụ sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, có khả năng quản lý và điều hành, hình thành phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Đối với các vùng sản xuất đều đạt quy mô từ 30ha trở lên, có khả năng mở rộng diện tích, giao thông thủy lợi bảo đảm cho việc áp dụng cơ giới hóa. Đa phần các sản phẩm lúa Japonica, lúa chất lượng sau thu hoạch sẽ được kết nối với DN ký kết thu mua với giá cao hơn thị trường.

Để phát triển chuỗi lúa gạo bền vững không thể thiếu “bàn tay” của DN. Tuy nhiên, hiện nay thực tế rất ít DN tham gia, đầu tư vào chuỗi lúa gạo của Hà Nội. Phải chăng những cơ chế thu hút DN của TP hiện nay chưa đủ mạnh?

Đúng là TP cần phải có cơ chế mạnh hơn nữa để thu hút DN đầu tư vào chuỗi lúa gạo khép kín từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói đến tiêu thụ. Bởi, nếu chuỗi chỉ dừng ở mức hợp tác xã kết nối với nông dân thì khó mà duy trì, phát triển chuỗi bền vững. Đơn cử như sản phẩm gạo đã đạt nhãn hiệu tập thể nhưng nếu không được duy trì, vận hành, phát triển một cách bài bản, chiến lược khi khó có thể lên tầm thương hiệu được. Đây cũng là trăn trở lớn của chúng tôi.

Quá trình làm việc với các DN cho thấy, họ cần nhất là sự cam kết của nông dân, nhất là khi đã cùng tham gia vào chuỗi thì nông dân phải chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro cùng DN. Thực tế, đã có không ít trường hợp đầu vụ DN đã ký hợp đồng thống nhất giá mua thóc tươi với hợp tác xã nhưng đến lúc thu hoạch, nông dân lại “lật kèo”. Mặt khác, DN rất cần chính quyền cơ sở (UBND xã) đứng ra làm trọng tài cho những cam kết sản xuất - tiêu thụ nông sản để bảo đảm hợp đồng không bị phá vỡ.