Phát triển chăn nuôi để xóa nghèo bền vững

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, xã Hành Nhân (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã tích cực phối hợp hỗ trợ con giống, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo vươn lên.

Ông Ngô Đình Quy (49 tuổi, thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân) thuộc diện hộ cận nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn lại phải nuôi mẹ già thường xuyên đau ốm.  Để tạo điều kiện cho ông Quy cải thiện cuộc sống, từ sự đề xuất của địa phương mới đây, ông được Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hành hỗ trợ bò lai Sind sinh sản để phát triển sản xuất.

Nhờ có địa phương quan tâm mà tôi nhận được bò giống để phát triển chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình. Tôi rất vui, đây thực sự là động lực rất lớn để tôi cố gắng vươn lên”, ông Quy chia sẻ.

Ông Ngô Đình Quy được hỗ trợ bò để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo
Ông Ngô Đình Quy được hỗ trợ bò để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo

Ngoài bò giống được hỗ trợ, gia đình ông cũng Quy vay thêm 50 triệu đồng để cải tạo vườn tạp, đa dạng thêm nguồn thu nhập.

Là hộ cận nghèo, lại đơn thân nuôi 2 con đang đi học, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn và không ngừng nỗ lực vươn lên, cuối năm 2023, bà Lê Thị Trinh (thôn Nghĩa Lâm, xã Hành Nhân) tiếp tục thoát cận nghèo. Chính quyền xã Hành Nhân cũng đã đề nghị trao bò giống sinh sản cho gia đình bà Trinh để giúp bà có thêm điểm tựa, thoát nghèo bền vững.

Ngoài ông Quy, bà Trinh, năm nay, trên địa bàn xã Hành Nhân còn có 26 hộ gia đình khác thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò giống sinh sản để có điều kiện nâng cao thu nhập, dần vươn lên thoát nghèo. Đây được cho là cách trao “cần câu” phù hợp với điều kiện của một xã thuần nông như Hành Nhân, có thể tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ chăn nuôi.

Thực tế, từ chăn nuôi bò, đã có nhiều hộ gia đình nghèo ở xã Hành Nhân cải thiện được cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như bà Võ Thị Hoa (57 tuổi, thôn Đồng Vinh).

Bà Võ Thị Hoa đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò.
Bà Võ Thị Hoa đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò.

 “Trong lúc khó khăn nhất, nhờ nhà nước hỗ trợ mà có được con nghé, rồi từ đó phát triển dần ra. Trong vườn trồng cỏ nuôi bò, trồng thêm ít keo, nuôi heo, nuôi gà… Vài năm sau đó, gia đình thoát nghèo. Nghĩ lại có ngày hôm nay cũng nhờ con bò. Bởi vậy, trong chuồng bây giờ lúc nào cũng có 2-3 con bò giống”, bà Hoa nói.

Theo bà Hoa, để thoát nghèo, ngoài sự hỗ trợ, giúp sức của nhà nước còn cần sự quyết tâm rất lớn của chính bản thân người nghèo. Nếu không cố gắng, kinh tế gia đình sẽ không thể nào cải thiện, không lo được cho con cái ăn học và luôn lẩn quẩn trong nghèo đói.

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân Nguyễn Đình Hải cho biết, việc hỗ trợ bò giống sinh sản là rất cần thiết để các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn có sinh kế, tiếp tục vươn lên.

“Những năm gần đây, có nhiều hộ dân trên địa bàn xã cải thiện cuộc sống từ việc được hỗ trợ cây, con giống. Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng vừa hỗ trợ 4 con heo giống cho chị em phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Sang năm, mô hình này tiếp tục được duy trì, nhân rộng”, ông Hải chia sẻ.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Hành Nhân, thời gian qua, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo như: tạo điều kiện để vay vốn theo các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ cây, con giống; tập huấn, nâng cao kiến thức chăn nuôi, trồng trọt; huy động quỹ vì người nghèo, xây dựng hũ gạo tình thương…

Cuối năm 2023, Hành Nhân chỉ còn 77 hộ nghèo, bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc
Cuối năm 2023, Hành Nhân chỉ còn 77 hộ nghèo, bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc

Nhờ tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, công tác giảm nghèo tại xã Hành Nhân tiếp tục có những kết quả khả quan. Đầu năm 2023, toàn xã có 97 hộ nghèo thì đến cuối năm 2023 chỉ còn 77 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,69%; hộ cận nghèo giảm từ 95 hộ còn 89 hộ, chiếm tỷ lệ 4,26%.