Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển hệ thống giao thông tĩnh: trải thảm đỏ hút đầu tư

Vân Nhi (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học GTVT liên quan đến những biện pháp nhằm bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học GTVT
GS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học GTVT

Xác định rõ trách nhiệm

Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông… Ông đánh giá sao về việc này cũng như hiệu quả mà các kế hoạch, đợt cao điểm đem lại cho bộ mặt đô thị?

- Với mục tiêu giành lại vỉa hè cho người đi bộ, trong những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều đợt ra quân tổng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông. Điển hình, năm 2023, TP Hà Nội đã triển khai Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về “Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP”.

Đồng thời, TP đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-BCĐ197 về thành lập Đoàn kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP Hà Nội…, để giám sát việc kiểm tra, thực hiện của chính quyền các địa phương. Qua 3 giai đoạn triển khai kế hoạch, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện từng bước được giảm dần. Việc sắp xếp phương tiện cơ bản gọn gàng, đúng quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Điển hình như việc thực hiện tuyên truyền tại một số địa bàn chưa bảo đảm yêu cầu, còn xảy ra tình trạng một số hộ dân vẫn không chấp hành, chưa chủ động sắp xếp gọn gàng hàng quán, để phương tiện tràn lan trên hè phố, dưới lòng đường, gây mất trật tự an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị và tình trạng lấn chiếm vỉa hè sau các đợt kiểm tra còn tái diễn.

Theo ông đâu là việc mà Hà Nội cần phải làm để các đợt ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị không rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”?

- Với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chức năng, trong thời gian qua, nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị triển khai nhân rộng; có nơi, có lúc đã đạt nhiều kết quả rất tích cực… Dẫu vậy, những kết quả đó chưa tạo ra được sự bền vững, ổn định. Do đó, để khắc phục tình trạng trên rất cần tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự sáng tạo và gương mẫu đi đầu từ chính cán bộ công chức, viên chức, cán bộ và lực lượng vũ trang trên địa bàn TP.

Đồng thời, trong quá trình thực thi công vụ cần kiểm tra, xử lý toàn diện vi phạm trên các lĩnh vực; huy động toàn diện lực lượng, phương tiện tham gia phá dỡ khi cần cưỡng chế; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức “cuốn chiếu” làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm. Kiên quyết cưỡng chế trường hợp chống đối, lập biên bản vi phạm hành chính thu giữ phương tiện đồ vật vi phạm, tháo dỡ các biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm chiếm dụng hè phố, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị theo đúng quy định của pháp luật.

Khu bãi giữ xe ngầm Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Khu bãi giữ xe ngầm Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài ra, cần xác định rõ trách nhiệm đối với lãnh đạo và các bộ phận chức năng tại các quận, huyện, thị xã trong việc nghiên cứu xây dựng và duy trì tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu sau thời gian ra quân, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo đánh giá thực trạng trật tự đô thị trên địa bàn, nguyên nhân và giải pháp, phân tích mối tương quan giữa duy trì trật tự đô thị và sự phát triển của kinh tế - xã hội trên địa bàn quản lý, hiệu quả của những biện pháp đã áp dụng để giải quyết tận gốc vấn đề hoặc tham mưu UBND TP các chính sách quản lý phù hợp.

Dùng ngân sách đầu tư các dự án cấp bách

Vấn đề giao thông tĩnh đang được đặc biệt quan tâm tại Hà Nội. Với tình trạng gia tăng phương tiện cá nhân như hiện nay thì càng trở nên bức thiết. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên? Để khắc phục và thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án bãi đỗ xe ngầm…, cơ quan chức năng cần phải làm gì?

- Hiện diện tích đất dành cho giao thông tĩnh là các điểm, bãi đỗ xe công cộng tại Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có trên địa bàn Hà Nội, còn lại 90% nhu cầu hoặc đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng. Tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện đã gây áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe…).

Để giải quyết vấn đề trên, Hà Nội cần quy hoạch và xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tĩnh và gửi các sở, ngành, quận huyện tập hợp đưa vào kêu gọi để lựa chọn nhà đầu tư. Phân tích, lựa chọn các dự án bãi đỗ xe ngầm khả thi và cấp bách nhất, dùng ngân sách đầu tư. Sau khi hoàn thành sẽ đấu giá quyền khai thác. Việc đầu tư ban đầu lớn, thu hồi chậm sẽ tạo áp lực nhất định lên ngân sách TP, nhưng bù lại sẽ đáp ứng được mong mỏi của người dân, giải quyết vấn đề đô thị của Hà Nội. Sau một thời gian khai thác, TP có thể nghiên cứu bán lại dự án cho các nhà đầu tư cũng theo hình thức đấu giá. Mục tiêu là để có thêm tiền tái đầu tư các dự án bãi đỗ xe ngầm khác. Song hành với đó, TP cần xem xét tăng giá trông giữ xe trong khu vực nội đô để hạn chế xe cá nhân lưu thông.

Hà Nội đang nghiên cứu Đề án tổ chức cho thuê vỉa hè tại một số tuyến đường làm nơi kinh doanh… Đâu là vấn đề mà Hà Nội cần phải lưu tâm trong quá trình triển khai, tránh phát sinh những hệ lụy, thưa ông?

- Sau nhiều năm đầu tư và được thay đổi, các phố có vỉa hè của TP Hà Nội đang ngày một quy chuẩn và khang trang hơn. Đi cùng với sự thay đổi đó là sự xuất hiện của các hàng quán kinh doanh khiến vỉa hè đã và đang dần vượt qua qua mục đích ban đầu là trang trí cho đô thị và dành cho người đi bộ. Sự tồn tại của hàng quán vỉa hè là kế mưu sinh của người dân và thói quen mua sắm tiện lợi của nhiều người. Qua thời gian, những hoạt động kinh doanh này đã trở thành một nét thường thấy, quen thuộc trên phố phường Thủ đô. Chính vì vậy, năm 2021, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính và UBND quận Hoàn Kiếm, cho sử dụng thí điểm hè phố để kinh doanh.

Để bảo đảm công năng lưỡng dụng của vỉa hè cần lập lại trật tự vì không thể thả lỏng nhưng cũng không thể dẹp bỏ "kinh tế vỉa hè" mà cần sử dụng linh hoạt, ứng xử phù hợp giữa các nhóm và sắp xếp quy củ hơn. Cụ thể, tại các khu vực có vỉa hè rộng có thể cho phép tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý chặt chẽ; những khu vực đông dân cư, tập trung trường học, bệnh viện, nhà máy có thể tổ chức kinh doanh theo giờ, cấm kinh doanh vào giờ cao điểm để không ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân. Trên cơ sở quy hoạch bài bản mới tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh.

Xin cám ơn ông!

 

"Vấn đề quy hoạch giao thông Thủ đô gắn với quy hoạch đô thị và bảo đảm mật độ xây dựng và phát triển dân cư cơ học phù hợp với mạng lưới giao thông vận tải để giảm áp lực giao thông, đặc biệt tại khu vực đô thị trung tâm, phát triển hệ thống vận tải công cộng thay thế phương tiện cá nhân. Và trong công tác bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông tại Thủ đô, cần gắn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, chính quyền địa phương nhằm phát huy và duy trì kết quả đạt được". - PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học GTVT