70 năm giải phóng Thủ đô

Phát triển làng nghề Hà Nội: không chỉ dừng ở việc tôn vinh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, các giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề được UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc ghi nhận, tôn vinh những giá trị truyền thống, rất cần một đề án tổng thể để phát triển bền vững các làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Công nhận mới 15 làng nghề

Từ lâu, bánh cuốn Thanh Trì đã trở thành cái tên “gây thương nhớ” cho nhiều người dân khi nhắc đến ẩm thực của đất Hà Thành. Làng nghề có lịch sử hàng trăm năm này duy trì được chất lượng sản phẩm qua nhiều năm tháng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Chủ tịch UBND phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) Đặng Thanh Tùng cho biết, vừa qua, chính quyền và nhân dân trên địa bàn phường đón nhận niềm vui lớn, khi nghề làm bánh cuốn nơi đây được UBND TP trao bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Đây là điều kiện thuận lợi để bánh cuốn Thanh Trì tiếp tục phát triển.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại trao bằng công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống cho đại diện các làng nghề.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại trao bằng công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống cho đại diện các làng nghề.

Tại xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), nghề làm khảm trai thậm chí có sức sống và mức độ lan toả rộng lớn hơn nhiều. 7/7 thôn làng trên địa bàn xã hiện nay vẫn đang bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị từ nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống mà cha ông để lại.

Vừa qua, 7 làng có nghề khảm trai cũng vinh dự được UBND TP trao bằng công nhận “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Trước đó, cả 7 làng nghề thuộc xã Chuyên Mỹ đã được UBND TP công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, cùng với các làng nghề tại huyện Phú Xuyên và quận Hoàng Mai, trung tuần tháng 4/2024 vừa qua, UBND TP cũng đã công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” cho các làng nghề: chế biến nông sản tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), mây tre đan ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), mộc ở xã Long Xuyên và cắt may ở xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ).

3 làng nghề khác được UBND TP trao bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” gồm: làng nghề mộc ở xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên), làng nghề cỏ tế mây tre đan ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) và làng nghề trồng đào, cây cảnh ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín).

Du khách nước ngoài thích thú với những sản phẩm làng nghề của Hà Nội.
Du khách nước ngoài thích thú với những sản phẩm làng nghề của Hà Nội.

Sớm xây dựng đề án phát triển tổng thể

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, với việc có thêm 15 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận, tính đến nay, toàn TP đã có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc 24 quận, huyện, thị xã được trao bằng công nhận.

Sự phát triển của các làng nghề đã và đang mang lại những giá trị rất lớn trên khía cạnh kinh tế - xã hội. Dù vậy, khó khăn chưa phải đã hết, đặc biệt là đối với việc quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề.

Nghệ nhân Vũ Văn Ca (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) chia sẻ, dù có tới 7 thôn làng có nghề nhưng hiện nay địa phương vẫn chưa có điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn để quảng bá sản phẩm đến du khách thập phương. Các tour tuyến đưa khách đến thăm quan, mua sắm tại làng nghề cũng rất hạn chế.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, để thúc đẩy phát triển làng nghề, vừa qua, UBND TP đã ban hành kế hoạch, trong đó đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm. Ưu tiên số 1 là xây dựng và thực hiện chính sách; tiếp đến là áp dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại.

UBND TP cũng đang giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp cùng sở ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2024.

Để bảo tồn và phát triển các làng nghề, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cũng kiến nghị UBND cấp huyện chỉ đạo đơn vị chuyên môn và UBND cấp xã tiếp tục rà soát, hướng dẫn, giúp đỡ các làng nghề, chủ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, bố trí kinh phí hỗ trợ các làng nghề hoàn thiện phương án bảo vệ môi trường theo quy định. 

 

Theo Kế hoạch số 111/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về Phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn Hà Nội, trong năm 2024, TP phấn đấu tiếp tục công nhận được thêm ít nhất 15 làng nghề, làng nghề truyền thống; đồng thời nghiên cứu ban hành một số quy định về mức hỗ trợ phát triển làng nghề theo quy định tại Nghị định số 52/NĐ-CP của Chính phủ.