Tại Công văn 261/2022/BXD-QLN, Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp (KCN), xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích DN tham gia đầu tư. Theo các chuyên gia, cơ chế đã có vấn đề còn lại là cần nhanh chóng bắt tay vào thực hiện.
Nhận diện lỗ hổng
Sau hơn nửa năm “bồng bế” vợ con trở về quê sinh sống, anh Vũ Văn Đạt trú tại xóm 4, xã Chính Nghĩa (Kim Động, Hưng Yên) vẫn chưa nguôi ngoai hình ảnh đoàn người lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê hương vì những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Anh Đạt chia sẻ, vợ chồng anh đều làm công nhân trong KCN Đông Nam (TP Hồ Chí Minh) phải thuê nhà trọ. Sau mấy tháng giãn cách xã hội và thực hiện cách ly y tế, không thể đi làm, mất đi nguồn thu nhập nên gia đình anh buộc phải khăn gói về quê.
“Hiện nay, vợ chồng tôi đã xin được việc ở một công ty may gần nhà, thu nhập không cao nhưng gia đình vẫn còn ít ruộng đất, ngoài giờ đi làm công ty thì tăng gia thêm để đảm bảo cuộc sống. Chúng tôi quyết định ở lại quê hương, không đi làm việc ở xa nữa” - anh Vũ Văn Đạt nói.
Câu chuyện nêu trên là một ví dụ cho hàng trăm nghìn trường hợp có hoàn cảnh tương tự của những người lao động vào Nam kiếm kế sinh nhai, do khó khăn về nơi ăn chốn ở khi dịch bệnh xảy đến buộc phải trở về quê hương sinh sống. Điều đó khiến các KCN trọng điểm phía Nam bị thiếu hụt lượng lao động. Đơn cử tại tỉnh Bình Dương, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, Bình Dương đang thiếu khoảng 90.000 lao động làm việc trong KCN.
“Trong suốt thời gian giãn cách xã hội, khoảng 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, TP phía Nam chỉ còn chưa đến 1/3 có việc làm ổn định do DN đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tạo ra sức ép lớn về chi phí sinh hoạt, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao khiến nhiều người lao động nghỉ việc về quê” - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho hay.
Như vậy, đại dịch Covid-19 đã làm lộ diện rõ lỗ hổng trong phát triển nhà ở công nhân các KCN, khiến nhiều DN phải tạm dừng hoạt động, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của DN mà còn gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng, Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 đặt mục tiêu cần 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp khu vực đô thị nhưng đến hết năm 2021 mới thực hiện được khoảng 7,1 triệu mét vuông (đạt gần 57% kế hoạch). Giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu còn tăng cao hơn nữa, cần thêm từ 13 - 15 triệu mét vuông sàn nhà ở, đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan quản lý Nhà nước từ T.Ư đến địa phương.
Trước những yêu cầu trong giai đoạn mới, Bộ Xây dựng đã có Công văn 261/2022/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở công nhân KCN. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm gồm: Khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, phê duyệt chương trình, kế hoạch, tiêu chí phát triển; khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN phải bố trí diện tích đất phù hợp để xây dựng nhà ở công nhân, thiết chế Công đoàn đồng bộ hệ thống hạ tầng; có giải pháp cụ thể thu hút DN tích cực tham gia; nâng cao chất lượng, cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người lao động...
“Có rất nhiều cơ chế nhằm thu hút DN đầu tư NƠXH, nhà ở cho công nhân nhưng thực tế triển khai thì không như kỳ vọng. Nguyên nhân do thiếu “vốn mồi” để triển khai thực hiện, đồng thời những vướng mắc, chồng chéo về Luật Đất đai, Luật Đầu tư... chưa được tháo gỡ triệt để, dẫn đến thiếu quỹ đất. Nói tóm lại là thiếu tiền, thiếu đất, vướng luật, như vậy sẽ rất khó đạt được mục tiêu” - Chuyên gia quy hoạch đô thị, thạc sĩ Trần Tuấn Anh nói.
Từ thực tế trên, nhiều ý kiến chia sẻ về kinh nghiệm phát triển nhà ở cho người lao động trên thế giới, đầu tư dưới nhiều cách thức khác nhau, phù hợp với chính sách xã hội, thể chế kinh tế chính trị cũng như sáng kiến của mỗi quốc gia hay địa phương.
Theo Phó Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, một số mô hình vận dụng thành công, như: Mô hình xây dựng tập trung kiểu mới, Nhà nước quyết định việc phân bổ đất đai, đưa ra chính sách ưu đãi, thông qua công ty xây dựng có vốn Nhà nước triển khai, được áp dụng ở Luxembourg, Singapore, Trung Quốc, Sri Lanka... Mô hình tập trung vào hỗ trợ tài chính, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp người có nhu cầu thay vì hỗ trợ xây dựng, cung cấp. Ưu điểm là giải pháp rẻ tiền, giảm thiểu vấn đề tham nhũng trong đầu tư xây dựng, áp dụng nhiều ở Mỹ, Brazil, Nam Phi... Hay mô hình đa dạng hóa, hướng đến vai trò của tư nhân và cộng đồng, dự án nhà ở cho người lao động có xu hướng địa phương hóa, tư nhân hóa, quy mô đa dạng, DN hoạt động trên quan điểm phi lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp, được áp dụng tại Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển...
Theo các chuyên gia, một số giải pháp có thể áp dụng ở Việt Nam như xây xen cấy nhà cao tầng tại nội đô cạnh các khu nhiều việc làm, ưu tiên áp dụng cải tạo khu vực thấp tầng, lô đất diện tích quá nhỏ. Hoặc cũng có thể xây dựng nhà ở giá thấp do cộng đồng dân cư tự chịu trách nhiệm, Nhà nước hỗ trợ tín dụng, tài chính theo hướng xã hội hóa, ban hành tiêu chuẩn nhà ở tiện nghi tối thiểu để tạo ra quỹ nhà ở do cộng đồng dân cư tự xây, sửa chữa, nâng cấp...
“Một giải pháp tốt để giảm áp lực cho đô thị lõi là quy hoạch đồng bộ giữa nơi việc làm và nhà ở cho công nhân khu vực ven đô, xen ghép trong dự án nhà ở thương mại, tạo cơ hội cải thiện cảnh quan đô thị, chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nên những khu dân cư thịnh vượng. Ngoài ra, trong chiến lược phát triển đô thị, cần tập trung sản xuất nhà ở giá rẻ kết hợp sử dụng công nghệ mới giúp cải thiện mặt không gian trong và ngoài, đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống hiện đại mà không làm tổn hại đến giá trị văn hóa, xã hội” - TS.KTS Lê Thị Bích Thuận nhìn nhận.
"Luật Nhà ở quy định có 3 hình thức phát triển NƠXH từ nguồn vốn T.Ư, địa phương (vốn ngân sách), DN bỏ vốn đầu tư và cá nhân gia đình bỏ vốn xây trên đất ở hợp pháp của mình. Tuy nhiên, mỗi địa phương cần lựa chọn hình thức đầu tư và có phương án khuyến khích nhà đầu tư cho phù hợp." - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh