Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phát triển vật liệu xanh: thúc đẩy giải pháp bền vững cho một tương lai xanh

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng bền vững là khái niệm bao gồm việc sử dụng các kỹ thuật xây dựng và vật liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong suốt vòng đời của công trình, từ thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì đến tháo dỡ.

Một trong những yếu tố cốt lõi của xây dựng bền vững chính là sử dụng vật liệu xanh.
Một trong những yếu tố cốt lõi của xây dựng bền vững chính là sử dụng vật liệu xanh.

Yếu tố cốt lõi

Kỹ sư Lê Cao Chiến - Trung tâm thiết bị, môi trường và an toàn lao động, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, cùng với mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Năm 2022, công trình xây dựng toàn cầu là lĩnh vực tiêu thụ năng lượng chính, chiếm 30% nhu cầu năng lượng cuối cùng, chủ yếu dành cho các nhu cầu vận hành như sưởi ấm và làm mát. Con số này sẽ tăng lên 34% khi bao gồm cả năng lượng để sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD).

Lượng khí thải CO2 chiếm 37% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu, với gần 10 GtCO2. Trong đó khí thải gián tiếp liên quan đến việc sử dụng điện là 6,8 GtCO2, khí thải trực tiếp từ các tòa nhà 3 GtCO2. Quá trình sản xuất các vật liệu được sử dụng trong xây dựng như xi măng, thép và nhôm đã bổ sung thêm 2,5 GtCO2, cùng với sản xuất gạch và kính đóng góp khoảng 1,2 GtCO2.

Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức để sản xuất VLXD cũng góp phần gây ra sự cạn kiệt nguồn tài nguyên, phá hoại hệ sinh thái và làm suy giảm đa dạng sinh học. Các hoạt động xây dựng cũng tạo ra lượng lớn chất thải, khiến vấn đề xử lý rác thải ngày càng trở nên nghiêm trọng.

"Tăng trưởng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, không chỉ giúp giảm thiếu tác động môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm thiểu chi phí vận hành và bảo dưỡng công trình, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên" - kỹ sư Lê Cao Chiến cho hay.

Một trong những yếu tố cốt lõi của xây dựng bền vững chính là sử dụng vật liệu xanh, được thiết kế để giảm thiểu tác động môi trường, bao gồm sử dụng nguyên liệu tái tạo, giảm phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng và nước đồng thời đảm bảo an toàn cho sức khoẻ con người. Tuy nhiên, dù Việt Nam đang dần xây dựng các tiêu chuẩn về vật liệu xanh, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về việc đánh giá và quản lý chất lượng. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong việc thực hiện và áp dụng trên diện rộng.

Doanh nghiệp sẵn sàng

Giám đốc Kỹ thuật toàn quốc Saint - Gobain Việt Nam Nguyễn Hải Anh chia sẻ, doanh nghiệp đã sẵn sàng các giải pháp vật liệu nhẹ, bền vững giúp giảm CO2, cũng như hiệu suất công năng cao để đồng hành cùng ngành xây dựng thúc đẩy chuyển đổi xanh và tăng số lượng công trình xanh qua mỗi năm tại Việt Nam.

Với giải pháp kính Low-E giảm 60% năng lượng vận hành hệ thống điều hòa không khí; giải pháp cách nhiệt bền vững bên trong công trình giúp giảm tới 40% phát thải gián tiếp do sưởi ấm và làm mát; hệ giải pháp cách nhiệt bên ngoài ETICS - hệ thống cách nhiệt bên ngoài tòa nhà giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho tòa nhà.

Bên cạnh đó, các giải pháp vật liệu giúp giảm phát thải CO2, thân thiện môi trường như vữa tô nội thất gốc thạch cao giúp giảm 75% khí thải CO2 so với vữa tô gốc xi măng; kính được sản xuất dựa trên nguyên liệu từ hydro giúp giảm 70% lượng khí CO2 trực tiếp thải ra môi trường; bông thuỷ tinh với hàm lượng tái chế trung bình lên tới 59%. Các hệ giải pháp nhẹ cho khu vực tường trong của công trình giúp giảm 79% sự nóng lên của trái đất, giảm 67% năng lượng sử dụng và giảm 81% nước sạch.

Đại diện Viglacera chia sẻ, với mong muốn đem lại những giải pháp vật liệu xây dựng xanh nhằm thay thế các vật liệu truyền thống và tự nhiên, hướng tới phát triển bền vững và mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ, đơn vị đã thành công sản xuất kính siêu trắng nội địa. Đây là một bước tiến đáng kể cho thị trường vật liệu xây dựng của Việt Nam. Bởi quy trình sản xuất kính siêu trắng đòi hỏi những nguyên tắc và yêu cầu khắt khe mà không phải nhà sản xuất nào cũng đáp ứng được.

Với lợi thế về công nghệ tiên tiến và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, Viglacera đã đưa ra thị trường những tấm kính với hàm lượng sắt (iron) thấp, giúp kính trong suốt hơn hẳn so với kính thông thường.

Nhờ dây chuyền công nghệ hiện đại, quá trình nung chảy trong lò kính trôi ở nhiệt độ cao khoảng 1600°C mới có thể tạo thành một dải liên tục trên một bồn nước thiếc nóng. Hơn nữa, điều tạo nên sự khác biệt cho quá trình sản xuất kính siêu trắng của Viglacera là khả năng làm chủ các bí quyết công nghệ để tạo ra những sản phẩm có kích thước lớn hơn hay nhỏ hơn, cũng như đảm bảo khả năng truyền sáng ổn định tại mọi độ dày và kích thước sản phẩm.

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh và vật liệu xanh, như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành vật liệu xây dựng xanh.

Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu các sản phẩm và công trình đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và bền vững. Điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt tiếp cận các thị trường xuất khẩu với các sản phẩm vật liệu xanh.

Cùng với đó, Việt Nam có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú như gỗ, tre và rơm rạ có thể tận dụng để phát triển các loại vật liệu xanh và tái tạo. Các loại vật liệu như gạch từ rơm, tre hay gỗ tự nhiên có thể thay thế những vật liệu xây dựng truyền thống. Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường và chất lượng sống, việc sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng nhà ở và các công trình công cộng ngày càng được ưa chuộng.