70 năm giải phóng Thủ đô

Phát triển vùng trồng dâu gắn với chế biến

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tưởng rằng cây dâu tằm sẽ mai một theo nghề ươm tơ, dệt lụa nhưng với việc khai thác cây trồng theo hướng lấy quả, vài năm gần đây người dân xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ đã hồi sinh lại cây trồng này và có thu nhập khá cao.

 Người dân xã Hiệp Thuận thu hoạch dâu.
Bà Nguyễn Thị Số, thôn Hiệp Thuận 1, xã Hiệp Thuận cho biết: Cây dâu đã có ở địa phương nhiều đời nay. Trước kia, người dân trồng dâu lấy lá để nuôi tằm, nhưng khi nghề ươm tơ dệt lụa mai một thì cây dâu cũng mai một theo. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, khi thị trường ưa chuộng quả dâu, người dân Hiệp Thuận lại đưa cây dâu vào trồng để lấy quả. Theo bà Số, trồng cây dâu khá dễ, không phải kỳ công chăm sóc, vốn bỏ ra lại ít, sau khi trồng một năm đã cho thu hoạch. Vụ thu hoạch dâu thường bắt đầu từ giữa tháng 2, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. “Giá trị kinh tế từ trồng dâu ăn quả cao gấp nhiều lần trồng hoa màu. Hơn nữa, thương lái đến tận vườn thu mua, đầu ra ổn định. Với 2 sào dâu, năm ngoái gia đình tôi cũng thu nhập hơn 20 triệu đồng” – bà Số phấn khởi cho biết.
Trên thửa ruộng của gia đình, bà Đỗ Thị Hiền cũng đang tất bật thu hoạch dâu. Với hơn 2 sào dâu, gia đình bà phải huy động tới 4 nhân lực ra thu hoạch. Bà Hiền cho biết, hàng năm việc thu hoạch dâu là tốn nhiều công nhất. Dâu chín không đồng đều nên khi thu hoạch phải tỉ mẩn lựa những quả chín trong chùm, nếu không thu hoạch kịp dâu sẽ rụng và thối hỏng.
Hiện, dâu đang được thương lái thu mua tại vườn với giá 12.000 – 14.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo chia sẻ của người dân nơi đây, mức giá này thấp hơn nhiều so với các năm trước. Đầu vụ năm trước, dâu có thể bán được với giá 18.000 – 20.000 đồng/kg và cuối vụ bán được 25.000 đồng/kg.
Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Thuận Nguyễn Xuân Tâm cho biết: Toàn xã hiện có hơn 100ha trồng cây ăn quả. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vài năm gần đây, người dân nơi đây đã chủ động đưa nhiều loại cây trồng mới vào canh tác như bưởi, phật thủ, ổi, táo, dâu… Trong đó diện tích trồng dâu lấy quả là hơn 5ha. Giá trị thu nhập của cây trồng này khá cao, từ 350 – 400 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, hiện nay dâu chủ yếu bán cho thương lái, giá cả thường bấp bênh. Chính vì vậy, việc mở rộng diện tích dâu vẫn đang là bài toán mà địa phương cân nhắc. “Để nâng cao giá trị cho loại cây trồng này, địa phương đã có kế hoạch phát triển cây ăn quả gắn với phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang kêu gọi một số DN về địa phương đầu tư phát triển chế biến sản phẩm. Hy vọng trong thời gian tới, cây dâu tằm sẽ là một cây trồng chủ lực của địa phương” – ông Tâm tin tưởng.