Thị trường rộng lớn
Theo báo cáo về chỉ số thị trường xe ô tô điện trong nước của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), với thị trường 100 triệu dân, hiện tại, tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam mới chỉ ở mức 23 ôtô/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Dự báo đến năm 2025, nhu cầu ô tô của cả nước sẽ khoảng 800.000 - 900.000 xe và đến năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe nên Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường xe điện trong tương lai.
Để thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh, tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 876/QĐ-TTg đề ra lộ trình chuyển đổi sang xe ô tô, xe máy điện với các mốc quan trọng. Đó là mục tiêu năm 2025: 100% xe buýt thay thế sử dụng điện; năm 2030: 100% taxi thay thế sử dụng điện; 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Vì vậy, Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo đến năm 2028 Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai thác thị trường này bởi doanh nghiệp nước ngoài chưa đầu tư.
Hiện, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy điện mang thương hiệu Việt Nam như VinFast, Pega, Dat Bike, Detech, DKBike… Từ năm 2018, những doanh nghiệp này đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy với tổng công suất ước tính khoảng 1 triệu xe/năm.
Tháng 4/2023, Tập đoàn Sơn Hà đã đầu tư nhà máy sản xuất 4 mẫu xe máy điện EVGO đạt tiêu chuẩn ISO 9001-2015 đủ điều kiện để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ, EU.
Trước đó, tháng 10/2021, VinFast chính thức trình làng mẫu ô tô điện đầu tiên VF e34, từ đó đến nay VinFast đã trình làng 6 mẫu ô tô điện VF e34, VF 5 Plus, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9. Đặc biệt tháng 11/2022, VinFast xuất khẩu mẫu xe VinFast VF8 sang thị trường Mỹ.
Cần đòn bẩy chính sách
Theo các chuyên gia kinh tế mặc dù thị trường xe điện là mảnh đất mầu mỡ cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác, nhưng để làm được điều đó đòi hỏi đòn bẩy chính sách.
Thực tế cho thấy, để thúc đẩy sản xuất xe điện, Nhà nước đã có một số chính sách thuế như ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, thuế sản xuất - lắp ráp, thuế thu nhập doanh nghiệp… Cụ thể, mức thu lệ phí trước bạ của xe ô tô điện chạy pin hiện là 0% trong vòng 3 năm (kể từ 1/3/2022) và 2 năm tiếp theo bằng 50% so với xe xăng có cùng số chỗ ngồi. Từ tháng 3/2022 đến hết tháng 2/2027, sẽ áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện giảm chỉ còn 1 - 3%.
Theo Tổng thư ký VAMA Ninh Hữu Chấn, xe điện là xu hướng của vận tải trong tương lai. Tuy nhiên, hiện, Việt Nam vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng cho việc phát triển và chuyển đổi sang loại xe thân thiện với môi trường này. Đồng thời, chưa có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ để phản ánh cụ thể tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của các bộ phận, hệ thống và xe hoàn chỉnh. Chính vì vậy, xe điện tại Việt Nam vẫn còn ít và hầu như chưa có hãng xe nào thực sự sản xuất kinh doanh xe điện, ngoài VinFast.
Để phát triển ngành công nghiệp xe điện Việt Nam, cần có những chính sách cụ thể phù hợp với sự thay đổi sản xuất mang tính bước ngoặt. “Sau khi xác định được lộ trình chuyển đổi, các chính sách đi kèm cũng cần được nhà nước mau chóng ban hành nhằm đáp ứng tốc độ thay đổi của quá trình này. Có thể kể đến như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, hỗ trợ thuế môi trường, hạ phí đỗ xe…”- ông Chân đề xuất.
Cũng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Đào Phan Long cho rằng, Nhà nước nên tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/2/2027 đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước; miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo.
Ngoài ra, để xe điện có thể tiếp cận nhanh chóng với người dùng hơn, Chính phủ cần có những chính sách trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện khoảng 1.000 USD/xe. Đồng thời nên ban hành quy định tiêu chuẩn chung cho các trạm sạc, có cơ chế vay vốn linh hoạt cho các doanh nghiệp kinh doanh trạm sạc nhanh cũng như sản xuất xe điện.
Giám đốc phát triển trạm sạc pin VinFast Phan Thị Thuỳ Dương kiến nghị, nhà nước nên miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp đặt trạm sạc điện và miễn thuế đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo qua đó hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng trạm sạc điện có thể sử dụng được cho xe điện của tất cả các thương hiệu.
Như vậy, muốn phát triển công nghiệp xe điện, bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp còn cần sự hỗ trợ thích hợp của Chính phủ, khi có những chính sách hỗ trợ việc xe điện hóa sẽ trở nên phổ biến tại Việt Nam từ đó phát triển của ngành công nghiệp ôtô của đất nước.