Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Phe ly khai Catalonia và chính phủ Tây Ban Nha như hai con dê qua cầu"

Đại sứ Trần Đức Mậu - Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc khủng hoảng chính trị, pháp lý, xã hội và cả quyền lực ở đất nước này vẫn tiếp diễn hoặc lại được bắt đầu mới chứ chưa thể kết thúc.

Ngày 21/12 vừa qua, cử tri xứ Catalonia ở Tây Ban Nha đã bầu ra nghị viện mới thay thế cho nghị viện cũ bị chính phủ trung ương giải tán sau khi tuyên bố Catalonia trở thành nhà nước độc lập và tách khỏi Tây Ban Nha.
Đảng của ông Carles Puigdemont (trái) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ấn định cuộc bầu cử nghị viện này trong hy vọng là cử tri xứ Catalonia sẽ lựa chọn ở lại với Tây Ban Nha và bác bỏ chủ trương ly khai của đa số trong nghị viện trước.
Vị thủ tướng này đã lựa chọn tất cả những biện pháp cứng rắn mà hiến pháp hiện hành cho phép trong khuôn khổ Điều 155 và quyền lực của chính quyền trung ương, bao gồm cả cảnh sát, quân đội lẫn tòa án, để đối phó với lần ly khai thứ ba của Catalonia trong lịch sử từ trước tới nay chứ không hòa giải và đối thoại với phe ly khai ở Catalonia.
Chuyện xứ Catalonia lại một lần nữa quyết chí ly khai Tây Ban Nha thách thức quyền lực của ông Rajoy nhưng cũng tạo cơ hội cho người này đánh lạc hướng sự quan tâm của dư luận và xoa dịu áp lực trong nội bộ tới những bê bối, tai tiếng của ông Rajoy và Đảng Nhân dân (PP) đang cầm quyền ở Tây Ban Nha.
Kết quả cuộc bầu cử mới là thất bại chính trị lớn đối với ông Rajoy và đảng PP. 3 đảng thuộc phe chủ trương ly khai vẫn giành được đa số trong nghị viện mới, cho dù kém lần trước 2 ghế. Đảng PP của ông Rajoy bị mất luôn 8 ghế và giờ chỉ còn 3 ghế trong nghị viện có tổng cộng 135 dân biểu của Catalonia.
Luật bầu cử đặc biệt ở xứ này đã giúp phe ly khai chỉ giành được có 48% số phiếu phổ thông nhưng lại chiếm đa số (70) trong nghị viện. Như thế có nghĩa là sau bầu cử vẫn như trước bầu cử, vẫn phe ly khai cầm quyền và cái gọi là "đa số thầm lặng" ở Catalonia không ủng hộ ông Rajoy và đảng PP như họ vẫn quả quyết và mong đợi.
Như thế có nghĩa là cuộc khủng hoảng chính trị, pháp lý, xã hội và cả quyền lực ở đất nước này vẫn tiếp diễn hoặc lại được bắt đầu mới chứ chưa thể kết thúc. Ông Rajoy muốn dùng cuộc bầu cử để giải quyết khủng hoảng thì kết quả bầu cử làm cho khủng hoảng vẫn tiếp tục và việc xử lý càng thêm bế tắc ý tưởng giải pháp.
Phe ly khai ở Catalonia và phía chính phủ trung ương của ông Rajoy vẫn giống như hai con dê trong câu chuyện cùng muốn qua cầu trước mà không chịu nhường nhau. Cử tri không đồng tình với những biện pháp chính sách của ông Rajoy và đảng PP là nguyên do quan trọng nhất giúp phe ly khai duy trì được đa số trong nghi viện tại cuộc bầu cử vừa rồi ở Catalonia. Nếu không rút ra được từ đó những nhận thức cần thiết thì ông Rajoy và đảng PP chỉ khích lệ nỗ lực ly khai của Catalonia chứ không thuyết phục được xứ này gắn kết với Tây Ban Nha. Ông Rajoy đã sa vào cái bẫy chính trị của chính mình và chắc rồi sẽ phải trả giá rất đắt.
Ở nhiều nơi khác trong EU cũng như trên lục địa châu Âu hiện có chuyện ly khai tương tự như ở Catalonia với nguyên cớ và mức độ quyết liệt có khác nhau. Vì thế, bài học từ Catalonia rất giá trị cho chính phủ ở các nơi đó trên châu lục.
Đó là bài học không thể coi nhẹ, càng không thể làm ngơ, chuyện ly khai, cho dù với bất cứ nguyên do lịch sử, văn hóa, sắc tộc hay tôn giáo, ở thời đại hợp tác và liên kết châu lục đã rất phát triển. Đó là bài học dựa vào hiến pháp hiện hành để khắc phục chuyện ly khai nhưng không có nghĩa là bất chấp những đòi hỏi chính đáng về công bằng quyền lợi của phía thiểu số. Đó là bài học về giảm căng thẳng và ngăn ngừa ly khai ngay từ đầu và không để bùng phát thành khủng hoảng. Đó là bài học về khắc phục kịp thời và triệt để sự bất cập của luật pháp hiện hành trước biến động nhanh chóng của thực tiễn cuộc sống xã hội, của sự phát triển đất nước và của tâm lý, tình cảm của dân chúng.
Lối thoát cho Tây Ban Nha và Catalonia chỉ có thể là đối thoại về quyền tự trị mới cho Catalonia và sửa đổi hiến pháp hiện hành ở đất nước này. Cuộc khủng hoảng càng kéo dài, vị thế quyền lực của ông Rajoy càng lung lay và EU càng thêm khó xử.