Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến: Phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022 đạt từ 2,5-3%

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, 29/12, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đến hết quý IV/2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU chủ trì hội nghị.

Tham dự có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghị
12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới
Báo cáo tại hội nghị do Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ trình bày cho thấy, đến nay, TP có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.
Đối với 6 huyện còn lại, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện lại hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định Trung ương đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Huyện Chương Mỹ đã được UBND TP trình Bộ NN&PTNT, Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021. Huyện Ứng Hòa và huyện Mê Linh đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia TP họp bỏ phiếu trình Bộ NN&PTNT, Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, công nhận. Huyện Ba Vì và huyện Mỹ Đức đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, đang tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2022.
Đáng chú ý, trong quý IV, TP đã ban hành Quyết định công nhận 11 xã đạt chuẩn NTM (9 xã của huyện Ba Vì và 2 xã của huyện Mỹ Đức), đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn TP đến nay đạt 379/382 xã (chiếm 99,21%). Đối với 3 xã còn lại của huyện Mỹ Đức, Đoàn thẩm định nông thôn mới TP đã tiến hành thẩm định, đề nghị TP công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021. Như vậy, đến hết năm 2021, TP có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 của Hà Nội đạt 39.568,4 tỷ đồng (tăng 3,46% so với năm trước). Hiện nay, trên địa bàn TP có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.
 Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ trình bày báo cáo tại hội nghị.
Đối với kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay có 595 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã được trình Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP TP đánh giá, phân hạng và vượt kế hoạch TP giao 400 sản phẩm OCOP năm 2021.
Về nâng cao đời sống nông dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm. Toàn TP còn 1.363 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,06%) và có 7 huyện không còn hộ nghèo. Đến nay, TP có 252/414 xã được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung và xây dựng mạng cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của TP với khả năng cung cấp được cho khoảng 3,6 triệu người, tương ứng 900.135 hộ dân (khoảng 80%) nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch.
Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Ban Chỉ đạo TP, cấp ủy, chính quyền của 18 huyện và thị xã Sơn Tây đã nỗ lực triển khai Chương trình số 04-CTr/TU, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU trong năm 2021 có nhiều khởi sắc và thực chất.
Đánh giá cao kết quả tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm 2021, nhưng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa rõ nét, nhất là chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi, từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, từ sản xuất hộ gia đình sang sản xuất tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, hoạt động của các hợp tác xã còn nhiều khó khăn; thu nhập bình quân đầu người chưa đạt kế hoạch; đầu tư cho xây dựng NTM, nhất là các xã NTM nâng cao chưa rõ; tỷ lệ cấp nước sạch khu vực nông thôn cũng chưa đạt kế hoạch.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, cần phải rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách đã có về khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao để triển khai thực hiện; giao chỉ tiêu cho mỗi một huyện, thị xã trong năm 2022 phải có thêm 1 mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
 Quang cảnh hội nghị.
Bên cạnh đó, hiện nay TP đã hoàn thành xây dựng NTM đối với 100% xã, do vậy nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo cần tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đối với 4 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa) đã hoàn thiện hồ sơ, cần tiếp tục đeo bám để được công nhận trong quý I/2022. Hai huyện còn lại là Ba Vì và Mỹ Đức hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2022.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, nhất là các tiêu chí về cấp nước sạch, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, xây dựng trường chuẩn quốc gia... phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm tới từ 2,5-3%. 
“Thành phố đã bố trí kinh phí 1.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM do đó Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành phối hợp để triển khai. Trong đó, cần dành nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có một khoản hỗ trợ nhất định cho các xã xây dựng NTM nâng cao” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.