Phở Tình xuất hiện từ năm 1973 trong một ngôi nhà 45m2 nằm trên mặt phố Quán Thánh, đối diện Vườn hoa Vạn Xuân (quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Trải qua 50 năm, lúc đầu người ta gọi nơi này với cái tên “Phở 42 Quán Thánh”. Đời thứ hai được truyền lại quán phở này là cụ Nguyễn Văn Tình. Từ đó, quán mới có một cái tên chính thức là “Phở Tình”. Cụ Nguyễn Văn Tình là người kế thừa và phát triển nghề truyền thống của gia đình cũng là món ẩm thực truyền thống của người Thủ đô.
Cụ Tình truyền lại cho cô con gái là Nguyễn Thanh Phương, giữ gìn và phát triển đến nay. Ai đã từng thưởng thứ Phở Tình sẽ ấn tượng nhất bởi hương thơm của nước dùng - một mùi hương khó quên.
Cô Phương - chủ quán chia sẻ: “Nước dùng là nguyên liệu đắt tiền nhất trong một bát phở gà. Làm ra một nồi nước dùng hảo hạng cũng sẽ đem đến bát phở hảo hạng. Mỗi sáng, tôi đều phải dậy sớm chuẩn bị nước dùng. Nước được ninh từ xương gà đã luộc và làm sạch, đun sôi nhỏ lửa, tránh để nước đục. Để có một nồi nước dùng ngon thơm, ngọt từ thịt phải cần nhiều thời gian, công đoạn. Khi nước dùng chan vào phở trong, ngọt thanh, không nồng mùi mắm”.
Ngoài nước dùng, thịt gà cũng được cô Phương lựa chọn những con gà ngon, luộc chín vừa. Phở cũng được cô Phương chọn lựa vô cùng kỹ lưỡng, đặt hàng từ những mối hàng đảm bảo chất lượng, có màu trắng tự nhiên, độ đàn hồi nhất định. Khi ăn, sợi phở mềm, thịt gà ngọt thơm. Nước dùng ngọt mát chiều lòng mọi thực khách khó tính nhất.
Quán Phở Tình mở cửa từ 7 giờ sáng cho tới 19 giờ tối. Suốt 50 năm bán phở, ngày nào quán cũng tất bật đón khách đến thưởng thức từ sáng đến chiều tối.
Nói về Phở Tình, chị Thanh Hương - một vị khách đã gắn bó với quán nhiều năm, chia sẻ: “Tôi thường xuyên ăn ở đây vì phở rất ngon, đến bây giờ được 4 năm rồi. Nước dùng thanh mát, sợi phở mềm, thịt gà tươi ngon. Một bát phở ở đây khá rẻ so với mặt bằng chung của Hà Nội chỉ 35.000 – 45.000 đồng/bát nhưng đầy đặn”.
50 năm qua, Phở Tình chứng kiến bao thăng trầm, đổi mới của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhưng những người yêu phở như gia đình cô Nguyễn Thanh Phương vẫn kiên trì gìn giữ và phát triển văn hóa ẩm thực của Thủ đô.