Phố Wall bổ nhào, chứng khoán châu Á lao dốc

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên 11/10 sau khi chứng khoán Mỹ ghi nhận ngày giao dịch tồi tệ nhất trong 8 tháng qua.

Thị trường chứng khoán châu Á lại thêm một phiên đỏ lửa trong ngày 11/10, trong đó các chỉ số chứng khoán chính trên sàn Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải và Thâm Quyến (Trung Quốc) đều giảm hơn 4%.
Thị trường chứng khoán châu Á lại thêm một phiên đỏ lửa trong ngày 11/10
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Hang Seng giảm 3,84%, chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite đồng loạt hạ hơn 3%. Chỉ số Thượng Hải giao dịch giảm 4,34% và Thâm Quyến giảm 5,52%.
Chỉ số Taiex tại thị trường Đài Loan mất 6,28%, trong đó cổ phiêius của nhà sản xuất ống kính và nhà cung cấp của Apple Largan Precision sụt 9,89%.
Tại thị trường Sydney, chỉ số ASX 200 hạ 2,43%, với hầu hết các lĩnh vực đều ghi nhận mức giảm điểm. Chỉ số ngành năng lượng giảm 3,62%, vật liệu hạ 8% và lĩnh vực tài chính chứng kiến mức giảm 2,38%.
Cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Australia cũng ghi nhận phiên giảm điểm, trong đó cổ phiếu của Commonwealth Bank giảm 2,32%.
Nhóm cổ phiếu khai khoán cũng trượt giá, khi cổ phiếu của hai ông lớn - tập đoàn Rio Tinto và BHP mất lần lượt 2,94% và 2,85%.
Thị trường Nhật Bản cũng ghi nhận mức giảm sâu trong những giời đầu giao dịch. Chỉ số Nikkei 225 giảm 4,36%, trong khi chỉ số Topix giảm 3,88%, với phần lớn các nhóm cổ phiếu đều có xu hướng giảm.
Tại Hàn Quốc, thị trường chứng khoán tiếp tục đà mất điểm trong ngày 10/10, chỉ số Kospi đã giảm 3,6% trong phiên sáng nay.
Chốt phiên 10/10, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, trong đó Dow Jones và S&P 500 ghi nhận phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 8/2/2018. Nhóm cổ phiếu công nghệ là trung tâm của sắc đỏ khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản có rủi ro
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 831,83 điểm (tương đương 3,15%) xuống 25.598.74 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 94,66 điểm (tương đương 3,29%) còn 2.785.68 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 315,97 điểm (tương đương 4,08%) xuống 7.422.05 điểm. Nasdaq Composite ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 24/6/2016.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ dài hạn lại tăng, nới rộng xu hướng leo cao trong vài tuần qua nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ đã củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong 12 tháng sắp tới.
Chỉ số Dow Jones sụt 831,83 điểm (tương đương 3,15%) xuống 25.598.74 điểm.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng vọt 7 điểm (tương đương gần 44%) lên 22,96, vượt mốc 20 lần đầu tiên kể từ ngày 11/4/2018 và ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 2/4/2018.
Các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tiếp tục suy giảm trong ngày 11/10, trong đó hợp đồng tương lai Dow e-mini lùi 0,54%.
Theo nhận định của các chuyên viên phân tích, đà lao dốc trên Phố Wall dường như không có chất xúc tác nào, kể cả xung đột thương mại Mỹ - Trung. "Đây là tình trạng diễn ra kể từ đầu năm nay", Joseph Capurso - nhà chiến lược tiền tệ cấp cao tại Commonwealth Bank của Australia, viết trong báo cáo ngày 11/10.
Trong khi đó, ngày 10/10 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc tiếp tục tăng lãi suất đồng USD bất chấp những bất ổn thị trường gần đây. "Tôi nghĩ FED đang phạm sai lầm, họ quá chặt chẽ,” ông Trump nói.
Bình luận về xu hướng bán tháo trên Phố Wall, Tổng thống Trump cho rằng, đó là một điều chỉnh đúng và được mong đợi trong một thời gian dài. Ông Trump vẫn khẳng định cá nhân ông thực sự không đồng tình với những gì FED đang làm.
Trên thị trường tiền tệ thế giới, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, hiện ở mức  95,369 điểm.
Đồng yen Nhật Bản, vốn được coi là kênh trú ẩn an toàn, đã tăng mạnh và được giao dịch ở mức 112,11 yen đổi được 1 USD, trong khi đồng đô la Australia (AUD) giao dịch ở mức 1 AUD đổi được 0,7059 USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần