Đây là thông tin hãng thông tấn AP phân tích và công bố ngày 25/11.
Mối quan hệ lâu dài
Theo AP, mối quan hệ lâu dài và khăng khít giữa gia đình Clinton với nền công nghiệp tài chính Mỹ đã trở thành một trong những yếu tố then chốt đóng góp vào đường đua tới Nhà Trắng của bà Hilary.
Thu nhập từ diễn thuyết của gia đình Clinton tại khu vực tài chính tăng đột biến từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
Phố Wall sẽ giúp bà Hillary Clinton hoàn thành giấc mơ vào Nhà Trắng.
|
Trong giai đoạn năm 2009 – 2014, cặp đôi này đã kiếm được 26 triệu USD với 109 lần xuất hiện tại các hội nghị ngành được tài trợ bởi nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ dự phòng, hãng chứng khoán và DN bất động sản.
Bên cạnh thu nhập cá nhân, bà Clinton còn nhận được ủng hộ tài chính mạnh mẽ trên con đường chính trị từ Phố Wall. Từ lần chạy đua vào Nghị viện năm 2000 tới 2 đợt chạy đua vào Nhà Trắng, những nhân vật và tổ chức tài chính, bảo hiểm và bất động sản đã quyên góp khoảng 35 triệu USD cho bà Hilary – nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Lợi thế hay “gót chân Asin”
Đối thủ nặng ký của bà Hilary trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2016 – nghị sỹ Bernie Sanders, từng cáo buộc bà quá “thân thiết” tới Phố Wall kể từ lúc còn là nghị sỹ bang New York.
Theo đó, ông Sanders cũng như nhiều đối thủ của bà Hilary từng đề cập, với mối quan hệ khăng khít với giới tài chính, những quyết định của bà sẽ không đáng tin cậy hoặc có khe hở về pháp lý để được thực hiện.
Trái lại, những người ủng hộ bà Hilary trong ngành công nghiệp tài chính thì cho rằng những lợi ích cá nhân không ảnh hưởng tới quyết sách của bà, dẫn chứng sự phản đối từ chính họ tới kế hoạch tăng thuế lên các quỹ dự phòng và chứng khoán của cựu Ngoại trưởng Mỹ.
“Bà Hilary và chồng mình đều là những người phục vụ chính quyền gần như cả đời, do đó có một khoảng thời gian họ kiếm tiền là điều đương nhiên,”, một trong những nhà ủng hộ gây quỹ lâu dài cho bà Clinton – nhà quản lý quỹ Alan Patricof cho biết.
Trong khi đó, những người ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, mối quan hệ với Phố Wall càng gây áp lực khiến bà Hilary đưa ra những quyết sách công minh hơn.
“Một mặt bà Hilary phải tỏ ra không quá thân thiết với các ngân hàng, nhưng mặt khác quan trọng hơn là phải đưa ra những chính sách rõ ràng, minh bạch và nghiêm khắc”, theo Robert Reich - cựu Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ.
Trước công chúng, bà Clinton từng chỉ trích nền công nghiệp tài chính Mỹ. Phát biểu tại cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Dân chủ năm 2015, bà cho biết: “Tôi tới Phố Wall vào tháng 12/2007- trước khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra không lâu và chỉ nói đơn giản “dừng lại hết đi!”.
Nhưng đến đoạn đưa ra chính sách điều chỉnh ngành tài chính trong năm 2007, bà đã dịu giọng hơn và cho rằng “có nhiều lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng này”.
Gần một năm sau thời điểm đó, bà đã ủng hộ kế hoạch cứu trợ ngân hàng Mỹ trị giá 700 triệu USD để cứu rỗi ngành công nghiệp này trong tâm bão khủng hoảng.
Không thể phủ nhận bà Hilary Clinton là một trong những ứng viên Tổng thống 2016 được Phố Wall “ưu ái” hàng đầu với sự ủng hộ lớn về tài chính – một yếu tố quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, điều này cũng trở thành “điểm nóng” dấy lên nhưng tranh luận về khả năng lãnh đạo của bà trên đường đua khốc liệt này.