Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phối hợp đồng bộ bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chất lượng, định lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn bán trú cho học sinh được phụ huynh, dư luận đặc biệt quan tâm; đồng thời đặt ra vấn đề cộng đồng trách nhiệm của tất cả các bên, trong đó có vai trò quan trọng của gia đình và nhà trường.

Xây dựng bếp ăn an toàn

Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.840 trường học, gần 2,3 triệu học sinh mầm non và phổ thông; trong đó hơn 1.800 trường học tổ chức bán trú. Hàng ngày, các nhà trường trên địa bàn TP phục vụ trung bình hơn 1 triệu học sinh ăn bán trú.

Nhân viên nhà bếp Trường Mầm non Đa Sỹ chuẩn bị suất ăn cho học sinh.
Nhân viên nhà bếp Trường Mầm non Đa Sỹ chuẩn bị suất ăn cho học sinh.

Hàng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội đều ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các nhà trường tăng cường quản lý ATTP và phòng, chống ngộ độc; tổ chức phong trào thi đua về ATTP trong toàn ngành…

Cùng với đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo nhà trường đặc biệt quan tâm rà soát, bổ sung mọi điều kiện tổ chức bán trú. Với các trường tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh phải thực hiện đúng quy định về điều kiện ATTP, được cấp giấy chứng nhận hoặc cam kết “Cơ sở đủ điều kiện ATTP”; ký kết hợp đồng, có thỏa thuận chặt chẽ về việc mua thực phẩm, cung cấp suất ăn với các đơn vị uy tín, đủ điều kiện pháp lý.

Riêng các trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn phải bảo đảm đơn vị cung cấp suất ăn có địa điểm không quá xa với trường học để học sinh có bữa ăn đúng giờ.

Qua khảo sát tại một số trường học cho thấy, các nhà trường đều phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh lựa chọn, ký hợp đồng suất ăn với đơn vị có đủ tư cách pháp nhân, có đủ điều kiện và được cấp phép, thực phẩm giao nhận hàng ngày đều có nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn rõ ràng, đáp ứng các điều kiện về vệ sinh ATTP.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức) Đặng Bá Văn chia sẻ: Hàng ngày, nhà trường có hơn 6.00 học sinh ăn bán trú. Do ký kết với đơn vị cung cấp suất ăn nên mỗi ngày, nhân sự của công ty đến trường  nhận thực phẩm và tổ chức nấu tại bếp ăn của trường. Phía công ty có nhiệm vụ công khai mọi khâu từ nhà cung cấp nguyên liệu đến quy trình nấu, thực đơn, định lượng, hàm lượng dinh dưỡng… với từng suất ăn.

Ban giám hiệu nhà trường phân công 2 nhân sự, trong đó có 1 nhân viên y tế tham gia trực tiếp vào quy trình giám sát bếp ăn. Hàng ngày, nhân viên của nhà trường phải có mặt, trực tiếp kiểm tra, ký nhận nguyên vật liệu đầu vào, sau đó lấy mẫu lưu. 2 nhân viên của nhà trường có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát từng khâu của bếp ăn. Ban giám hiệu cũng luân phiên xuống bếp ăn kiểm tra và hoạt động giám sát cũng có sự góp mặt thường xuyên của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Với Trường Mầm non Đa Sỹ, quận Hà Đông, các hoạt động liên quan đến bếp ăn, suất ăn bán trú là do nhân viên bếp của nhà trường đảm nhận. Trường có ký kết với nhà cung ứng đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT.

“Khi nhà cung cấp mang thực phẩm đến sẽ có tổ bếp, thành viên giám sát của trường cùng phụ huynh kiểm tra xem thực phẩm có tem mác, có đóng dấu theo quy định không. Sau khi nhập nguồn nguyên liệu đảm bảo, tổ bếp bắt đầu phân chia, sơ chế nguyên liệu. Nhà bếp của trường được thiết kế khoa học, phân loại thực phẩm sống - chín; có tủ sấy cơm, tủ sấy bát đũa; khu bếp có lưới chống muỗi, gián, ruồi…. với phương châm đảm bảo chất lượng và an toàn bữa ăn cho học sinh”, đại diện Ban lãnh đạo Trường Tiểu học và THCS Hanoi Victoria (Gia Lâm) cho biết.

Giữ tương tác giữa gia đình và nhà trường

Các phụ huynh đều có quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú. Quy trình giám sát ở tất cả các khâu: nhập nguyên liệu, bảo quản nguyên liệu đến các khâu chế biến, bảo quản thực phẩm sau chế biến; kiểm tra quy trình bếp ăn một chiều, trong đó, tất cả đều phải đảm bảo vệ sinh.

Học sinh Trường hào hứng trước giờ ăn bán trú

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Hanoi Victoria (Gia Lâm) hào hứng trước giờ ăn 

Thực tế cho thấy, ngoài các yếu tố trên, việc tương tác giữa gia đình và nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng. Phụ huynh quan tâm sát sao đến thực đơn bữa ăn ở trường; hỏi han con về suất ăn mỗi ngày lên lớp, nghe cảm nhận của con…, từ đó có những góp ý, phản hồi tới nhà trường để điều chỉnh phù hợp.

Thường xuyên cập nhật thực đơn, công khai các suất ăn hàng ngày của học sinh trên mọi kênh thông tin chính thức là cách Trường Tiểu học và THCS Hanoi Victoria (Gia Lâm) đã và đang thực hiện, đảm bảo suất ăn ngon, bổ, hợp lý với giá tiền.

Hàng ngày, sau khi nhân viên bếp hoàn thành công đoạn chế biến, chia suất hoặc khi các con đang dùng bữa, ban giám hiệu nhà trường xuống kiểm tra, giám sát, đồng thời ghi lại những khoảnh khắc hồn nhiên, ý nghĩa gửi đến phụ huynh trên trang thông tin của lớp. Cách làm này của nhà trường được phụ huynh ủng hộ, làm gia tăng niềm tin của phụ huynh với nhà trường.

Với Trường Mầm non Đa Sỹ (quận Hà Đông), nhà giáo Trịnh Thùy Linh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Cấp học mầm non có đặc thù riêng khi việc “chăm sóc” đặt trước việc “giáo dục”. Điều đó cho thấy, đảm bảo an toàn cho học sinh, trong đó có đảm bảo ATTP bữa ăn bán trú phải đặt lên hàng đầu.

Để hoạt động giáo dục của trường phong phú hơn, tăng cường mối quan hệ giữa cô -  trò - phụ huynh, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động mời phụ huynh đến dự giờ ăn của các con; thay đổi hình thức ăn (ăn theo khay, ăn theo mâm, theo mẹt…); qua đó, phụ huynh có nhiều hơn cơ hội giám sát bữa ăn của con; nhà trường cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của mình trong chuẩn bị bữa ăn cho trẻ.

Công tác tổ chức bếp ăn bán trú tại trường học chỉ đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn khi nhà trường- phụ huynh –đơn vị cung cấp thực phẩm – các bên liên quan… cùng hợp tác, thống nhất, cộng đồng trách nhiệm. Có như vậy, học sinh mới được thụ hưởng những bữa ăn đủ đầy, ngon, sạch, đa dạng, hấp dẫn và phát triển thể chất, tinh thần, nâng cao kết quả học tập.