Hơn 20 năm sau khi cụm di tích Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Việt Nam đã đạt được những bước tiến mới trong công tác nghiên cứu không gian điện Kính Thiên qua các triều đại để tiến tới.
Điện Kính Thiên được khởi dựng từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ. Tại đây, Hoàng đế cử hành các đại điển của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần... Do đó, điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất của cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV - XVIII).
Năm 1816, vua Gia Long đã cho dỡ điện Kính Thiên với lý do “kiến trúc đã bị mục nát không thể tu bổ được” và cho dựng một tòa điện mới gọi là chính điện Hành cung, năm 1841 vua Tự Đức đổi thành điện Long Thiên. Trải qua thăng trầm lịch sử kiến trúc đã bị phá hủy toàn bộ chỉ còn lại khu nền cao hơn 2m và hai bộ lan can đá thềm bậc ở chính giữa mặt Nam và góc Tây Bắc.
Trong nhiều năm qua, kế hoạch phục dựng chính điện Kính Thiên vẫn được coi là hạt nhân để phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long - PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Không gian điện Kính Thiên thời Lê là không gian thiêng quan trọng nhất của Kinh đô Thăng Long trên các phương diện quy hoạch kinh đô, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, tâm linh, vị trí và chức năng. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quốc gia quan trọng nhất của đất nước, nơi đề ra các quyết sách dựng nước, giữ nước thành công của các cấp lãnh đạo cao nhất trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Không gian này được cấu trúc bởi 3 thành phần kiến trúc cơ bản gồm: chính điện Kính Thiên, sân Đan Trì (sân Đại Triều) và Đoan Môn”.
Đi từ chỗ lần dò không gian điện Kính Thiên thì đến nay, TS Hà Văn Cẩn - Viện Khảo cổ học khẳng định: nghiên cứu khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong những năm qua đã thu được những kết quả to lớn, giúp hiểu rõ được khoảng 35% diện mạo không gian chính điện Kính Thiên và điện Kính Thiên. Nếu tiếp tục khai quật và nghiên cứu, thời gian tới có thể nắm bắt được 35% kết cấu không gian này.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, điện Kính Thiên không chỉ là một công trình mà là không gian tâm linh, nơi đưa ra quyết sách của một quốc gia của 54 vị vua. Chính vì vậy, muốn công trình hiện hữu trong thế kỷ XXI thì cần quan tâm đến việc hoàn thiện các thủ tục, xin ý kiến để thực hiện dự án phục dựng điện Kính Thiên.
Hơn 20 năm qua, các nhà khoa học và các nhà quản lý loay hoay việc phục dựng điện Kính Thiên, để rồi theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan: “Chúng ta đang có lỗi với tổ tiên” vì quá chậm trễ trong việc đưa công trình này có mặt tại không gian di tích Hoàng thành Thăng Long.
Để đi đến những phương án khả thi, với điều kiện tư liệu nghiên cứu định hình được 35% không gian chính điện như hiện nay, các nhà khoa học cho rằng thực hiện phỏng dựng hay tái dựng sẽ hợp lý hơn là phục dựng. Đối với các công trình Pháp thuộc được đánh giá là nằm trên khu vực chính điện Kính Thiên có thể hạ giải, bảo tồn bằng cách số hóa giới thiệu trong Bảo tàng Hoàng cung.
“Hà Nội đang bảo tồn rất nhiều công trình Pháp thuộc như: Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử và các biệt thự cũ… nên không nhất thiết phải bảo tồn thêm các công trình Pháp thuộc tại di sản Hoàng thành Thăng Long. Giữa một công trình không nhiều giá trị với một không gian chính điện của 54 vị vua, ta nên chọn công trình nào? Đặt câu hỏi như vậy chúng ta dễ dàng có lời giải” - PGS.TS Đặng Văn Bài bày tỏ.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, khu vực nội đô Hà Nội còn rất nhiều di sản gắn với Thăng Long xưa trong lịch sử và có mối quan hệ chặt chẽ với Hoàng thành. Đó là hệ thống Thăng Long tứ trấn với các đền Voi Phục, Bạch Mã, Trấn Vũ và Kim Liên, là dấu vết của các đàn Nam Giao và Xã Tắc, là hệ thống La thành bao quanh Thăng Long xưa và các khu vực thị dân với dấu vết phố nghề. Nếu mở rộng nghiên cứu đầy đủ và khoa học, việc công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới cần thêm cả hệ thống tứ trấn, các làng nghề, phố nghề.