“Phong sát” để chấn chỉnh

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện “phong sát” nghệ sĩ một lần nữa được xới lên khi mới đây đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết Bộ TT&TT đề xuất cấm diễn, cấm sóng, cấm mạng xã hội với nghệ sĩ vi phạm pháp luật.

Quy định này đang được Bộ TT&TT phối hợp với Bộ VHTT&DL xây dựng để có thể đề xuất Chính phủ ban hành vào năm 2023.

Cho dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi khi áp dụng vào thực tế, nhưng cũng là dấu hiệu tích cực để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong nghệ thuật biểu diễn hiện nay.

Năm 2021, Bộ VHTT&DL đã ban hành Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ đưa ra mục tiêu xây dựng chuẩn mực hành vi ứng xử cho những người hoạt động nghệ thuật để “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”. Bộ Quy tắc ứng xử cũng đề cập nghệ sĩ phải chuẩn chỉnh trên báo chí, truyền thông và không gian mạng. Nhưng sau một thời gian thực hiện, Bộ Quy tắc ứng xử chưa giải quyết được rốt ráo những vi phạm của nghệ sĩ.

Điển hình là vụ việc của diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh khiến dư luận bất bình, làm xấu hình ảnh của nghệ sĩ. Đài truyền hình cũng như các cơ quan truyền thông âm thầm chấm dứt phổ biến hình ảnh, thực chất chưa có một thông báo chính thức vận dụng các quy định để cấm sóng, cấm biểu diễn với hai nghệ sĩ này.

Ngoài ra, sau khi Bộ Quy tắc ứng xử được ban hành, tình trạng quảng cáo trên mạng xã hội cùng các sản phẩm kém chất lượng, hoặc việc phát ngôn thiếu chuẩn mực của các nghệ sĩ có tên tuổi vẫn tràn lan. Chính vì vậy, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do khẳng định: Những quy định mà Bộ TT&TT phối hợp với Bộ VHTT&DL xây dựng sắp tới không phải là xử phạt vi phạm hành chính mà là các biện pháp hạn chế phổ biến hình ảnh, hạn chế thông tin trên sóng, trên mạng của những nghệ sĩ vi phạm pháp luật nói chung hoặc vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn mà Bộ VHTT&DL đã ban hành.

Khi thông tin về việc sẽ có quy định hạn chế phổ biến hình ảnh với nghệ sĩ có hành vi vi phạm được đưa ra, thậm chí như nhiều người dùng từ “phong sát” giống các trường hợp mà Hàn Quốc, Trung Quốc áp dụng; giới luật sư đặt câu hỏi hình thức xử lý vi phạm trên có vi phạm quyền công dân? Bởi vì, về nguyên tắc, vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử phạt nhưng phải liên quan trực tiếp và tương xứng giữa tính chất, mức độ vi phạm và chế tài trên cơ sở quy định cụ thể của pháp luật.

Chẳng hạn với nghệ sĩ vi phạm về nghề nghiệp thì có thể cấm biểu diễn, nhưng tại sao lại cấm họ lên sóng hay tương tác trên mạng xã hội. Cái đó thuộc quyền công dân, không liên quan. Nhưng nhiều luật sư bày tỏ, quy định cấm lên sóng hay cấm lên mạng xã hội sẽ không chỉ dành riêng cho nghệ sĩ mà cho những cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức.

Thời điểm hiện nay, hoạt động của các nghệ sĩ ngoài thực tế còn được thực hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, vì vậy việc phối hợp để giữ một môi trường nghệ thuật lành mạnh là rất cần thiết. Nghệ sĩ là người có ảnh hưởng với xã hội.

Chỉ một hành động, cử chỉ của nghệ sĩ sai lệch đều ảnh hưởng đến công chúng, tới xã hội. Vì vậy dẫu khi hoạt động nghề nghiệp hay đi bất kỳ đâu, kể cả trên trang mạng xã hội cá nhân, nghệ sĩ cũng phải giữ gìn hình ảnh của mình và trên hết trách nhiệm của một công dân.

Công chúng không bao giờ chấp nhận người làm văn hóa, nghệ thuật mà lại có những hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa. Vì thế với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có tính chất lặp đi lặp lại dù đã được cảnh báo, nhắc nhở... thì cũng cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần