Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ huynh tố con bị bạo hành tại trường quốc tế: Đừng thêm những chuyện buồn

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai ngày vừa qua, mạng xã hội dậy sóng khi bà T.H.T đã livestream tố việc con gái mình bị đánh tại trường Quốc tế American Academy (ISHCMC - AA) ) ở An Phú, TP Thủ Đức, bị thương tích và sang chấn tâm lý nặng nề.

Mẹ của nữ sinh trao đổi với đại diện nhà trường về vụ việc nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng khiến chị này bức xúc, lên mạng tố cáo. (Ảnh chụp màn hình)
Mẹ của nữ sinh trao đổi với đại diện nhà trường về vụ việc nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng khiến chị này bức xúc, lên mạng tố cáo. (Ảnh chụp màn hình)

Đã có nhiều ý kiến trái chiều quanh vụ việc này, người cho rằng vì gắn chữ quốc tế và muốn giải quyết theo cung cách quốc tế nên Hiệu trưởng nhà trường giải quyết vụ việc chưa tinh tế; nhưng có ý kiến lại cho rằng phụ huynh đang quá phẫn nộ nên đó có những hành xử chưa phù hợp.

Theo đoạn livestream, bà T.H.T., phụ huynh nhận mình có con theo học tại trường Quốc tế ISHCMC-AA và con của bà đã bị bạn học đánh sau khi tham gia dã ngoại tại Hồ Tràm. Sau đó sự việc lại tiếp tục xảy ra tại sân trường với con bà và 4 học sinh khác. Điều khiến bà T.H.T. bất bình nhất là khi đến làm việc nhà trường lại không cho bà gặp cháu gái bị tố đã hành hung con của mình và đẩy sự việc để các bên gia đình tự giải quyết với nhau. Ngoài ra, phản ánh lúc đầu của phụ huynh không được nhà trường giải quyết, mà còn có nhiều hành động dọa nạt.

Sau khi sự việc được đăng tải trên mạng xã hội, đa số cộng đồng mạng lên tiếng ủng hộ bà T.H.T và ném đá trường Quốc tế ISHCMC-AA – nơi học phí dao động từ hơn 500 - 600 triệu đồng/năm mà hành xử không nhân văn, không bảo vệ học sinh và phụ huynh yếu thế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cách xử lý không cho phụ huynh gặp học sinh đã đánh bạn là hợp lý, đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về tính mạng của con người, tránh việc cha mẹ gia đình bị hại không kìm nén được ức chế, lao vào tấn công hoặc có những tổn hại đến học sinh.

Ngoài ra, lại có ý kiến bày tỏ thái độ của bà T.H.T chưa thật phù hợp, có phần làm quá, vì hậu quả của vụ việc chưa đến mức nghiêm trọng, trong khi việc học trò xô xát do mẫu thuẫn là điều dễ xảy ra ở lứa tuổi các cháu đang định hình tính cách và tâm lý chưa ổn định. Chính vì vậy, phụ huynh cần phải thật bình tĩnh suy xét sự việc trước khi đẩy lớn vấn đề.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, khi có con bị đánh, nhiều phụ huynh không kìm chế được cảm xúc, có thể dẫn đến việc đánh lại bên kia. Như vậy thì từ một cái sai này sẽ dẫn tới một cái sai khác, và tiếp tục đẩy tình huống vào mức tệ hơn lúc ban đầu.

Tuy nhiên, việc nhà trường không xử lý dứt điểm khi phụ huynh phản ánh, để phụ huynh đứng ngoài đợi không cho vào, sau đó có những lời lẽ nóng giận là cách ứng xử chưa hợp lý, hợp tình. Muốn tìm được sự đồng thuận, giảm cơn nóng giận của phụ huynh, ngay từ đầu phía trường Quốc tế ISHCMC-AA nên có một quy trình xử lý và công bố kết quả đến cha mẹ học sinh của các bên liên quan, cha mẹ học sinh của lớp học đó và rộng hơn là cha mẹ học sinh toàn trường. Ngoài ra, nhà trường cũng cần giải thích lý do vì không gặp phụ huynh để tránh những hiểu lầm không đáng có.

Được biết, sau khi vụ việc ầm ĩ lên mạng xã hội, Hiệu trưởng trường ISHCMC-AA bày tỏ nhà trường cũng sẽ tìm hiểu nguyên nhân những học sinh liên quan không báo cáo mâu thuẫn với giáo viên, nhân viên phụ trách trước khi để sự việc trở nên nghiêm trọng. Nhà trường quyết tâm xử lý công bằng, nhất quán, phản hồi lại phụ huynh và luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ gia đình học sinh.

Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý kịp thời, gửi báo cáo về Bộ trước ngày 31/5. Hy vọng sự vào cuộc tích cực tới đây sẽ làm dịu cơn sóng dư luận không tích cực trong những ngày qua.