Nhờ đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ trong sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông sản an toàn
Với mong muốn mang đến sản phẩm an toàn đích thực và theo đúng xu thế tất yếu của người tiêu dùng là tìm đến sản phẩm hữu cơ, chị Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, chủ mô hình trồng rau thủy canh đã mạnh dạn đầu tư hơn 3.000m2 xây dựng mô hình trồng rau sạch (Luxy Food) theo hướng hữu cơ. Đầu tư ban đầu tuy cao nhưng lợi ích mang lại rất lớn vì không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), sử dụng phân bón hữu cơ tốt cho cây trồng.
“Từ năm 2019, gia đình tôi xây dựng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới với 2 mô hình kết hợp là trồng thủy canh và trồng theo hướng hữu cơ. Đó là sử dụng đất sạch, nước sạch, không khí sạch và “5 không” (không phân bón hóa học, không phun thuốc BVTV, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng hạt giống biến đổi gen, không hóa chất bảo quản)”- chị Hạnh chia sẻ.
Đến nay, sau gần 3 năm đưa vào hoạt động, trang trại đã đưa ra thị trường những sản phẩm rau thực sự sạch và đảm bảo cho sức khỏe, được người tiêu dùng đánh giá tốt. Trang trại cũng mang lại thu nhập cho gia đình, tạo một số công việc cho chị em phụ nữ trong xã tham gia sản xuất, thu hoạch, sơ chế rau đảm bảo đúng quy trình. Đặc biệt, mô hình đã lan tỏa việc sản xuất, tiêu dùng sản phẩm sạch đến nhiều chị em phụ nữ, những người tiêu dùng cuối cùng.
Gia đình chị Hạnh chỉ là một trong 103 mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt theo hướng VietGap và hữu cơ. Ngoài ra, Hội LHPN huyện Phúc Thọ còn xây dựng 30 chi hội phụ nữ sản xuất an toàn thực phẩm (ATTP).
Thay đổi hành vi trong ATTP
Thời gian qua, nhằm đảm bảo sức khỏe của cán bộ, hội viên, Nhân dân và cộng đồng, Hội LHPN xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ đã tập trung đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về công tác bảo đảm ATTP. Hội đã chú trọng lồng ghép nội dung thực hiện vào phong trào cuộc vận động như “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ thay đổi hành vi ATTP”. Đặc biệt là tổ chức thực hiện linh hoạt, bám sát điều kiện thực tế của từng địa phương để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ cho biết, tháng 8/2018, Hội LHPN xã đã thành lập mô hình thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến rau củ quả tại chi hội phụ nữ thôn Phú An. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, nhờ công tác tuyên truyền, sự hỗ trợ của trạm BVTV huyện Phúc Thọ, chính quyền nên có nhiều mô hình thử nghiệm ra đời giúp hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu chứa nhiều hóa chất ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người.
Đơn cử như mô hình bẫy dính trừ ruồi đục quả, trừ bọ phấn, rầy xanh trên cây họ cà, họ bầu bí, trừ sâu tơ trên cây bắp cải; Mô hình bẫy bả chua ngọt trừ sâu khoang; các loại phân gà, phân vịt, phân hữu cơ được ủ hoai mục rồi mới đem bón cho cây trồng. Các loại cỏ dại, tàn dư cây trồng được xử lý bằng chế phẩm sinh học chuyên dùng ngay tại ruộng làm phân bón cho cây trồng.
Đồng thời, thành viên tham gia mô hình được cán bộ trạm BVTV huyện hướng dẫn từ khâu sản xuất đến chế biến sản phẩm. Các thành viên phân công nhau giám sát việc sử dụng thuốc BVTV trên rau có trong danh mục sử dụng không. Nếu các hộ không thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn mà khi kiểm tra phát hiện sẽ yêu cầu hủy toàn bộ sản phẩm thu hoạch trên các diện tích đó. Nhờ đó, các sản phẩm làm ra đã được thị trường yên tâm tiêu thụ, giá cả đảm bảo phù hợp với người tiêu dùng, đáp ứng với công sức và chi phí của người sản xuất.
Từ những mô hình, những biện pháp kỹ thuật đó đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức của các thành viên trong mô hình. Sản phẩm rau, củ, quả của các thành viên làm ra được Nhân dân trong xã và thị trường yên tâm sử dụng, đặc biệt có một số sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn OCOP và phần lớn các sản phẩm đã phục vụ hầu hết các trường Mầm non trong huyện. Đến nay, xã Thanh Đa đã có 3/6 chi hội xây dựng mô hình “Phụ nữ thay đổi hành vi ATTP” với hơn 80 thành viên tham gia.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, ngoài vận động hội viên tham gia chăn nuôi, sản xuất an toàn, nhiều mô hình kinh doanh ATTP đã được các cấp hội triển khai như mô hình tuyến phố ATTP; chợ dân sinh ATTP… do phụ nữ đảm nhiệm. Từ năm 2017, Hội LHPN TP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng 1.600 chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong ATTP, thu hút 57.405 hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia. Qua đó, đã góp phần nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn TP.
Tháng 4/2022, Hội LHPN xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ đã thành lập thêm một mô hình “Phụ nữ thực hiện ATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” với 20 thành viên tham gia. Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng thêm các mô hình như “phân loại rác thải tại nhà” nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo ATTP.
Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Thanh