Phú quý giật lùi ở Mỹ

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Toà án tối cao Mỹ đã bị chính trị hoá và dùng hoạt động tư pháp để phục vụ chính trị.

Người dân Mỹ phản đối phán quyết của Toà án. Ảnh: WSJ
Người dân Mỹ phản đối phán quyết của Toà án. Ảnh: WSJ

Toà án tối cao nước Mỹ vừa đưa ra phán quyết lật ngược phán quyết của chính toà án này hồi năm 1973. Phán quyết của toà án tối cao Mỹ năm 1973 cho phép tiến hành phá thai trên khắp lãnh thổ nước Mỹ ở phụ nữ mang thai dưới 24 tuần. Gần nửa thế kỷ sau, toà án ấy - đương nhiên với 9 thầm phán khác - đưa ra phán quyết cho phép các bang ở Mỹ tự quyết định chuyện này, lập luận rằng chuyện phá thai không phải là "chuyện của quốc gia" mà là "chuyện của các bang". Chính quyền bang Missuri đã cấm tuyệt đối phá thai. Chính quyền ở hai mươi bang khác đã tuyên bố sẽ hành động tương tự. Trước đó, cũng với 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống, toà án này phán quyết cho phép công dân Mỹ được mang súng lục theo người ở nơi công cộng bất chấp liên tục xảy ra những vụ xả súng vô cớ vào dân thường. Vào cùng thời điểm, quốc hội nước Đức - được coi là trong cùng khối Phương Tây như Mỹ - thông qua luật cho phép quảng cáo về phá thai.

Quan điểm phổ cập chung trong thế giới hiện đại ngày nay coi chuyện phá thai thuộc về quyền của người phụ nữ, bình đẳng giới, công bằng xã hội và tiến bộ xã hội, tức là hiện thân cho dân chủ và nhân quyền thật sự trong xã hội. Phán quyết nói trên của toà án tối cao ở Mỹ đảo ngược thành quả chính trên lĩnh vực này mà nước Mỹ mất rất nhiều năm tháng và sau khi trả giá rất đắt mới có được.

Phán quyết này và cả phán quyết về quyền sử dụng súng đạn kia đều đã được dự báo trước nếu như không muốn nói là đều đã được lập trình sẵn. Người đóng vai trò quyết định nhất trong chuyện này là ông Donald Trump khi còn là tổng thống Mỹ. Người này đã kịp thời cài cắm 3 trong tổng số 9 thẩm phán của toà án tối cao Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống của mình - cả ba người đều có cùng ý thức hệ tôn giáo và quan điểm bảo thủ cực đoan như ông Trump. Cho nên không hề quá lời khi nói rằng những cây được ông Trump trồng khi còn tại vị bây giờ đã kết trái và cả hai phán quyết nói trên của toà án tối cao Mỹ đều là thắng lợi của cá nhân ông Trump.

Nhưng hệ luỵ tai hại của diễn biến mới này lại khôn lường đối với nước Mỹ.

Trong thế giới Phương Tây, nước Mỹ vốn được coi là mô hình mẫu mực về dân chủ và tam quyền phân lập. Lẽ ra, theo thời gian và sự phát triển chung của thế giới hiện đại, đặc tính trên phải được củng cố và tăng cường thì tính mẫu mực kia mới có thể được duy trì. Nhưng nước Mỹ hiện tại thì lại ngược chiều. Toà án tối cao Mỹ đã bị chính trị hoá và dùng hoạt động tư pháp để phục vụ chính trị. Luật pháp trở nêb bảo thủ và lạc hậu hơn trong khi thế giới bên ngoài càng ngày càng cấp tiến và hiện đại hơn. Phân biệt sắc tộc và tôn giáo, bất bình đẳng giới và bất công xã hội gia tăng trong khi dân chủ và nhân quyền thật sự đòi hỏi phải xoá bỏ những tình trạng trên.

Chính trường và nội bộ xã hội nước Mỹ tiếp tục bị phân rẽ trầm trọng trong khi đã bị phân rẽ ở mức độ trầm trọng tưởng không còn có thể trầm trọng thêm được nữa. Henry Kissinger không còn tin rằng có chính phủ nào ở Mỹ có thể khắc phục được sự phân hoá này. Thời gian tới, nước Mỹ không thể yên hàn bởi cả phe ủng hộ lẫn phía phản đối hai phán quyết nói trên của toà án tối cao Mỹ sẽ biến đường phố và truyền thông thành chiến trường. Rồi thù hằn và bạo lực. Sự phân rẽ này trầm trọng thêm vào đúng thời điểm nước Mỹ rất cần sự đoàn kết thống nhất nội bộ chính trường để đối phó với những thách thức mới về đối nội cũng như đối ngoại, về chính trị cũng như an ninh thế giới.

Toà án tối cao Mỹ rồi đây sẽ còn tiếp tục làm chính trị như vừa rồi và sẽ còn làm khuynh đảo thêm nữa nước Mỹ về đối nội. Có thể thấy qua đó ảnh hưởng vẫn còn rất lớn, cái bóng vẫn còn rất đậm của ông Trump. Cuộc nội chiến tiếp theo ở nước Mỹ sẽ là cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ diễn ra vào đầu tháng 11 tới. Nếu Đảng Dân chủ của tổng thống Joe Biden không bảo vệ được quyền kiểm soát lưỡng viện lập pháp thì quá trình phú quý giật lùi ở nước Mỹ không chỉ đơn thuần có sẽ được tiếp tục mà còn sẽ được tăng tốc.

Một nước Mỹ với thực trạng hiện tại và viễn cảnh tương lai như thế về chính trị đối nội không thể được các đồng minh và đối tác trong khối Phương Tây tin cậy coi là chỗ dựa vững chắc lâu dài và suy tôn làm lãnh đạo thế giới Phương Tây. Ông Biden sẽ trải nghiệm và thấm thía điều này ngay tại cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7 ở Đức và của Nato ở Tây Ban Nha.

Không loại trừ khả năng phán quyết kia của toà án tối cao Mỹ thức tỉnh lý trí và nhận thức của cử tri ở Mỹ để có quyêt định đúng đắn và thức thời trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới. Một khi không còn có thể trông chờ được gì nữa vào cả "tam quyền" là lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì họ phải dùng quyền và vũ khí chính trị của họ để ngăn chặn nước Mỹ tiếp tục phú quý giật lùi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần