Tại đồ án, quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất sơ bộ xác định diện tích và các chức năng tại 8 khu vực bãi sông Hồng. Theo đó, TP dự tính dành 1.998ha/5.480ha đất khu vực bãi sông để phát triển đô thị mới. Trong số 8 bãi sông được đề cập, có 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức. Riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408ha). Các bãi sông này được định hướng xây dựng khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái chất lượng cao, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình công cộng đô thị phục vụ dân cư hai bên bờ sông và khu vực nội đô. Do là bãi sông, các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng... giảm thiệt hại khi có lũ. Hai khu vực Long Biên - Cự Khối, Bắc Cầu - Bồ Đề và những bãi còn lại tùy theo địa hình, vị trí sẽ được định hướng phát triển không gian mở gồm không gian công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, không gian sinh thái nông nghiệp nhằm đa dạng hóa việc sử dụng khu vực ven sông.
Hiện tại đất các bãi sông này đa dạng về loại hình, có đất trống chưa sử dụng và đất trồng rau màu, hoa, cây cảnh; phần còn lại là khu vực đã xây dựng, gồm các làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt..., các khu phố nằm ngoài đê như khu dân cư phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... diện tích khoảng 1.190ha. Ngoài ra, trên các bãi sông còn đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng).
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu khác, không gian nghiên cứu của đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc không gian dành cho thoát lũ. Đây cũng sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô nên không chất tải nhà cao tầng.
|
Một góc bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Vũ Toàn |
Mật độ xây dựng thấp, tăng không gian xanh cho đô thịNhận xét về những đề xuất về sử dụng đất bãi sông của đồ án, GS. TS Nguyễn Quốc Thông - Chủ tịch Hội đồng kiến trúc (Hội KTS Việt Nam) cho biết, đây là một đề xuất mang tính khả thi khi mật độ xây dựng ở các bãi sông rất thấp, phù hợp với điều kiện Việt Nam, khác với đồ án phía Hàn Quốc từng đề xuất là phát triển trục bất động sản bên bờ sông Hồng. Trong quy hoạch lần này, mặt nước, thảm cỏ xanh như trục không gian công cộng lớn của Hà Nội. Trong tuyến cảnh quan đó có điểm nhấn quan trọng nhất là ngã ba sông Tứ Liên – Hồ Tây – Cổ Loa, đây là điểm đặc biệt quan trọng của đồ án và có giá trị tâm linh với Hà Nội trong tương lai.
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính, năm 2006, các chuyên gia của Hàn Quốc đã có quy hoạch về hai bờ sông Hồng với ý tưởng xây dựng khá nhiều nhà cao tầng ở hai bên bờ sông nhằm khai thác tối đa quỹ đất phục vụ quá trình đô thị hóa khi quỹ đất Hà Nội khan hiếm. Nhưng từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, diện tích Hà Nội tăng lên 3.344km2, quỹ đất cho phát triển đô thị đã đáp ứng cho giai đoạn 2030 và lâu dài cho Hà Nội, đảm bảo cho sự phát triển bền vững Thủ đô. Tầm nhìn quy hoạch sông Hồng theo hướng đô thị cao tầng đã không còn phù hợp và lãnh đạo TP Hà Nội sớm nhìn nhận ra việc này và thay đổi cách tiếp cận là hoàn toàn hợp lý.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, xác định đây sẽ là lá phổi xanh của TP nên trong đồ án, tại các khu vực bãi sông Viện đã đề xuất những khu vực hình thành công viên chuyên đề, công viên sinh thái, khu nghỉ sinh thái phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân ở hai bờ sông Hồng. Đồng thời ưu tiên bổ sung các công trình văn hóa tạo sự hấp dẫn, phong phú thêm các hoạt động cho người dân Thủ đô.