Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phương Tây củng cố phòng thủ trước mối quan hệ sâu sắc Nga-Trung?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước các động thái quân sự của Moscow và Bắc Kinh, liệu NATO có đảm bảo an toàn cho sườn phía Bắc của châu Âu?

Theo giới chuyên gia, việc quản trị và giao thương tại phía Bắc châu Âu đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi hoạt động quân sự của Nga cũng như mối quan hệ hợp tác của nước này với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Foreign Policy lại đưa ra quan điểm trái ngược khi cho rằng Bắc Cực vẫn sẽ ổn định trong một thời gian dài nhờ một số lý do sau:

Thứ nhất, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang được củng cố. Liên minh quân sự này vừa kết nạp thêm Phần Lan và tiếp sau có thể là Thụy Điển. Điều này sẽ giúp khối tăng cường khả năng phòng thủ trước Nga khi tăng gấp đôi chiều dài biên giới đất liền với Moscow. Thêm vào đó, với việc kết nạp thêm các nước Baltic, phương Tây sẽ hạn chế khả năng điều động quân sự của Moscow và giảm sức ảnh hưởng của hạm đội Baltic hay Hạm đội Biển Đen. Về phía Nga, Điện Kremlin đang phải phân tán lực lượng khi vừa phải dồn toàn lực cho Ukraine vừa đảm bảo an ninh chiến lược ở vùng Cực Bắc châu Âu và Bắc Cực.

Binh lính Nga tuần tra căn cứ quân sự trên đảo Kotelny ở Bắc Cực vào ngày 3/4/2019. Nguồn: Foreign Policy
Binh lính Nga tuần tra căn cứ quân sự trên đảo Kotelny ở Bắc Cực vào ngày 3/4/2019. Nguồn: Foreign Policy

Thứ hai, các quốc gia ở cực bắc châu Âu có kinh nghiệm lâu năm trong việc “xoay xở” với Nga. Điều này xuất phát từ khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu cũng như sự gia tăng hoạt động quân sự của Nga kể từ năm 2007. Việc các nước Baltic khá quen thuộc với chiến lược quân sự của Moscow sẽ khiến Nga phải thận trọng trong các chiến thuật trên biển. Yếu tố này góp phần đáng kể giúp các nước Bắc Âu giảm nguy cơ xung đột leo thang.

Thứ ba, ảnh hưởng của đồng minh Trung Quốc tại Cực Bắc chưa thực sự hiệu quả. Bắc Kinh vẫn luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Moscow trong nhiều lĩnh vực then chốt như: thương mại, công nghệ, năng lượng và thiết bị quân sự. Tuy nhiên, ngay cả khi mối quan hệ này vẫn tiếp tục phát triển, phương Tây cũng không cần quá lo ngại khi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở sườn phía Bắc châu Âu vẫn còn hạn chế. Việc Trung Quốc ngày càng xích lại gần Nga đẩy mối quan hệ của nước này với châu Âu đến bờ vực, đồng thời hạn chế khả năng tham chiến của Bắc Kinh ở cực Bắc.

Hoạt động vận chuyển của Trung Quốc đến châu Âu qua Hành lang Đông Bắc, Bắc Băng Dương, cũng như việc triển khai các dự án tại khu vực này không được thuận lợi. Tính đến nay, Bắc Kinh mới chỉ hoàn thành dự án khí thiên nhiên hóa lỏng Yamal trên bờ ở Bắc Cực, Châu Âu và thậm chí khó có thể đạt hiệu quả nếu quốc gia tỷ dân không thể tiếp cận công nghệ phương Tây. Hơn nữa, Hạm đội Hải quânTrung Quốc ở Bắc Cực khó có thể cạnh tranh với lực lượng quân sự của Mỹ do nhiều vấn đề khác nhau.

Thứ tư, châu Âu có thể dựa vào Na Uy để trụ vững trước Nga. Sau khi bị Moscow cắt đứt nguồn cung năng lượng, “lục địa già” hướng tới nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào trên thềm lục địa Na Uy, trải dài từ Biển Bắc đến Biển Barents, để thay thế. Cụ thể, Na Uy đã cũng cấp đến 46% lượng khí đốt thiên nhiên cho Liên minh Châu Âu trong quý I/2023. Không những vậy, quốc gia Bắc Âu này cũng là nhà cung cấp dầu lớn nhất của EU, chiếm khoảng 13% tổng lượng nhập khẩu. Với việc Na Uy đang quan trọng như vậy, Nga tất nhiên sẽ dồn mọi sự chú ý vào khu vực này cũng như đưa ra những động thái nhằm hạn chế hoặc chiếm đoạt nguồn cung này. NATO cần phải thành lập Lực lượng đặc nhiệm chung NATO-EU nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung năng lượng quan trọng bậc nhất này.

Với những lý do trên, chuyên gia cho rằng sườn phía Bắc của châu Âu có khả năng duy trì ổn định trong ngắn hạn và trung hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp nước Nga phát triển mạnh mẽ hơn, cùng với mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Trung Quốc, phương Tây rất khó để lạc quan về tương lai ổn định của khu vực có ý nghĩa chiến lược hàng đầu như Bắc Cực.