Phương Tây gặp khó trong cuộc chiến Nga-Ukraine

Ngọc Diệp
Chia sẻ Zalo

Mỹ và các đồng minh không muốn phải đối mặt với rủi ro một cuộc xung đột mở rộng hoặc gây tác động ngược với nền kinh tế từ những lệnh trừng phạt lên Matxcova.

Quân nhân Ukraine ngồi trên xe bọc thép di chuyển trên một con đường ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 24-2 - Ảnh: AP
Quân nhân Ukraine ngồi trên xe bọc thép di chuyển trên một con đường ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, ngày 24-2 - Ảnh: AP

“Quyết định của ông Putin cuối cùng sẽ khiến Nga phải trả giá đắt, cả về mặt kinh tế và chiến lược. Chúng tôi chắc chắn về điều đó”. Với những lời lẽ mạnh mẽ, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày 24/2 công bố việc Mỹ sẽ áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga.

Các biện pháp này sẽ đóng băng tài sản những ngân hàng lớn nhất của Nga tại Mỹ, giới hạn việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, và phong toả tài khoản ngân hàng của các tỷ phú. Ngay sau tuyên bố trên, Anh và EU cũng công bố các biện pháp tương tự.

Nhưng những người hi vọng các lệnh trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng sau một đêm có lẽ sẽ phải thất vọng, mà lý do chính là bởi phần lớn thế giới vẫn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên dầu và khí đốt từ Nga.

Thêm vào đó, phương Tây đã đưa ra dấu hiệu rằng, bất chấp sự quyết liệt của ông Putin, họ sẽ không tính tới giải pháp quân sự trước một cường quốc hạt nhân.

Thay vào đó, Mỹ và châu Âu dường như hi vọng rằng những chỉ trích, sức ép kinh tế, sự tốn kém từ cuộc chiến, và có lẽ, cả sự bất mãn từ trong nước, sẽ có thể khiến ông Putin đưa ra quyết định rút quân, hoặc ít nhất là không đi xa hơn.

Ông Biden đã lên án sự tàn bạo từ “cuộc chiến vô căn cứ” của Nga, cũng như ca ngợi sự đoàn kết của phương Tây trong “cuộc cạnh tranh giữa dân chủ và sự chuyên quyền”. Tuy nhiên, các nước này đang phải đối mặt với một thất bại rõ ràng: các lệnh trừng phạt như biện pháp ngoại giao chỉ có tác động trong mức giới hạn. Và một trong các lý do là chúng cũng mang lại tác dụng ngược, và thậm chí là nghiêm trọng hơn nước phải đối mặt.

Sau nhiều tháng cảnh báo về các “lệnh trừng phạt với hệ quả nghiêm trọng”, ông Biden cho biết không bao giờ ngộ nhận lệnh trừng phạt có thể ngăn Tổng thống Putin dừng quyết định khởi xướng cuộc chiến. Thay vào đó, các biện pháp này là nhằm hạn chế sức mạnh của Nga về lâu dài, và có thể tới mức biến nước này thành “cường quốc hạng hai”. Ông dự báo:”một trong những tác động lớn nhất trong những biện pháp của Mỹ sẽ đến trong tương lai, khi chúng tôi hạn chế sự tiếp cận của Nga vào nguồn tài chính và công nghệ ở những lĩnh vực mang tính chiến lược với nền kinh tế của nước này…Cùng với sự phối hợp từ các đồng minh và đối tác, chúng tôi ước tính có thể cắt giảm một nửa số lượng nhập khẩu sản phẩm công nghệ cao của Nga”.

Không nhiều sự lựa chọn

Phản ứng của phương Tây, tuy nhiên, khó có thể mang tác động như kỳ vọng. Ông Biden đã nhắc tới sự giảm mạnh của đồng tiền rúp và thị trường chứng khoán Nga, nhưng cùng với đó là sự tăng mạnh giá năng lượng như giá dầu Brent hiện đã vượt mức 100 đô la/thùng lần đầu tiên kể từ 2014.

Một trong những yếu tố đáng chú ý vắng mặt trong các lệnh trừng phạt của phương Tây là sự thiếu vắng các công ty năng lượng lớn của Nga. Trong khi đó, các hạn chế của Mỹ lại tiếp tục cho phép “thanh toán các khoản chi phí cho năng lượng”. “Chính quyền của tôi đang sử dụng tất cả các công cụ - mọi công cụ có thể - để bảo vệ gia đình và doanh nghiệp Mỹ trong việc tăng giá xăng dầu”, ông Biden nói, cảnh báo các công ty năng lượng không “tận dụng” tình hình để “làm giá”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng để ngỏ khả năng lệnh trừng phạt trực tiếp với ông Putin, nhưng không đề cập chi tiết cụ thể.

Sau nhiều ngày tham vấn với các nhà lãnh đạo phương Tây, nhiều lời kêu gọi của Ukraine với các hành động mạnh mẽ hơn đã không được trả lời. Trong đó bao gồm việc cắt đứt Nga khỏi hệ thống giao dịch tài chính SWIFT, áp đặt lệnh cấm bay trên Ukraine, và đóng các eo biển Bosporus và Dardanelles cho các tàu thuyền Nga đi lại giữa khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gửi những lời khẩn cầu cấp thiết:”Nếu các lãnh đạo châu Âu và thế giới, những người đứng đầu một thế giới tự do, không giúp chúng tôi ngày hôm nay, nếu không giúp Ukraine một cách quyết liệt hơn, thì ngày mai chiến tranh sẽ đến gõ cửa nhà các ngài”.

Với bất cứ sự hỗ trợ nào mà Ukraine nhận được về mặt tài chính và vũ khí, Mỹ đã đặt rõ ranh giới giữa các nước rằng trong khi sẽ bảo vệ các thành viên NATO, những nước nằm ngoài khối như Ukraine, sẽ phải tự bảo vệ mình. Điều này khiến nhiều quốc gia như Thuỵ Điển hay Phần Lan cân nhắc thêm về khả năng gia nhập liên minh.

Nhưng kể cả trong NATO, các đồng minh cũng buộc phải có những giới hạn nhất định về mặt quân sự, cho dù các máy bay chiến đấu, tàu chiến hay binh sĩ Nga hoạt động ngay sát biên giới ở khu vực Belarus và Ukraine. Ông Biden đã nói rằng Mỹ sẽ gửi thêm quân đến châu Âu và giúp bảo vệ “từng tấc đất” thuộc NATO, nhưng không đưa ra cam kết về việc sẽ chiến đấu tại Ukraine. “Hãy để tôi nhắc lại lần nữa. Quân đội của chúng tôi hiện và tương lai sẽ không tham gia vào cuộc xung đột với Nga ở Ukraine. Lực lượng Mỹ sẽ không đến châu Âu để tham chiến, mà bảo vệ các đồng minh NATO và thực thi cam kết của Mỹ”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng “hoà bình ở châu Âu đã bị phá bỏ”. NATO đã kích hoạt “kế hoạch phòng vệ”, vốn trao thêm quyền cho các tướng lĩnh, nhưng vẫn chưa triển khai lực lượng phản ứng với 40.000 quân. Ở thời điểm các lãnh đạo NATO đang chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến vào ngày 25/2 tới, ông Stoltenberg thừa nhận:”chúng tôi không có các câu trả lời cho hôm nay”. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh rủi ro đụng độ không cần thiết, giữa Nga và NATO, và “những gì chúng tôi làm là phòng vệ, giữ bình tĩnh, và không tìm kiếm đối đầu”.

Nhìn chung, các lệnh trừng phạt của phương Tây đều nhằm vào những lĩnh vực của Nga mà họ có sức mạnh vượt trội, ví như tài chính và công nghệ. Các lệnh trừng phạt đối với những ngân hàng lớn của Nga sẽ khiến tình hình hoạt động khó khăn hơn, nhưng không phải là bất khả thi. Trong thời gian qua, các thể chế này đã gia tăng nguồn dự trữ ngoại tệ, giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng đô la và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc để giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt. Các cú shock về tài chính sẽ được phần nào xoa dịu từ doanh thu tạo ra do giá dầu và khí đốt tăng cao. Đề xuất đưa Nga ra khỏi SWIFT đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nước châu Âu, khi điều này có thể mang đến rủi ro mới cho một thị trường tài chính vốn đã tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Chi tiết của các lệnh trừng phạt về hạn chế xuất khẩu công nghệ đối với Nga hiện vẫn chưa được công bố cụ thể, nhưng tác động của chúng sẽ chỉ đến sau nhiều năm, thay vì ở thời điểm hiện tại.

Trước làn sóng chỉ trích, Nga đã tìm thấy số ít những động thái tích cực từ Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từ chối mô tả hành động quân sự của Nga như một cuộc xâm lược, và thay vào đó chỉ trích Mỹ là bên đã “thổi bùng mồi lửa". "Và câu hỏi là giờ họ phải làm gì để dập tắt mồi lửa này?” Trong khi đó, Ấn Độ cũng có những khó xử nhất định. Nước này trong nhiều năm đã xích lại gần Mỹ nhằm gia tăng đối trọng với Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga, đồng thời là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Matxcova.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các bên “ngay lập tức chấm dứt các hành vi bạo lực”. Điều này khó có thể xảy ra, và chừng nào cuộc chiến còn kéo dài, sự không rõ ràng trong mối quan hệ của Ấn Độ giữa các nước sẽ càng khiến vị trí của nước này trở nên khó xử hơn.

Một số chuyên gia ở Washington cho rằng mối quan hệ gần gũi giữa Nga và Trung Quốc sẽ buộc Ấn Độ phải chuyển hướng sang phương Tây. Nhưng điều này sẽ cần thời gian. Vào lúc này, phương Tây rõ ràng có không nhiều lựa chọn để ngăn cản Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần