Phương Tây "lép vế" Nga, Trung Quốc trong cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc tranh giành ảnh hưởng toàn cầu đang gay gắt hơn trong bối cảnh Trung Quốc, Nga, Mỹ và các đồng minh tăng cường nỗ lực để giành trái tim và khối óc ở các nước thứ ba chiến lược.

"Cơn mưa đề nghị" nhắm vào các nước tầm trung

Sự ra đời của một thế giới đa cực bao gồm các phe phái đối địch, thể hiện rõ nhất qua thái độ đối với cuộc chiến của Nga với Ukraine và sẽ càng nổi bật tại một loạt hội nghị thượng đỉnh cấp cao trong những tháng tới, bắt đầu với cuộc họp thường niên của Nhóm G7 vào ngày 19/5 tại Nhật Bản.

Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản sắp tới sẽ chứng kiến những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của phương Tây. Ảnh: AP
Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản sắp tới sẽ chứng kiến những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của phương Tây. Ảnh: AP

Tại đây, các nhà lãnh đạo G7 và Liên minh châu Âu được cho là đang lên kế hoạch lôi kéo một nhóm quốc gia được chọn trong “trận chiến đề nghị” toàn cầu với Bắc Kinh và Moscow, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận khẳng định. 

Chiến lược này liên quan đến việc tăng cường hợp tác với "các quốc gia tầm trung", chẳng hạn như Brazil, Nam Phi và Kazakhstan. Các cam kết cấp cao, phối hợp tốt hơn giữa các dự án cơ sở hạ tầng hiện có và các kế hoạch hành động riêng cho mỗi quốc gia được xác định là đối tác chính nằm trong số các mục tiêu của chương trình.

Theo Bloomberg, chính sách ngoại giao chi tiết và động thái cung cấp đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, cùng với việc cung cấp vũ khí, công nghệ năng lượng hạt nhân và phân bón của Nga, đang có ưu thế hơn so với những mời gọi của phương Tây.

Cách tiếp cận của phương Tây còn hiệu quả?

Cùng thời điểm Tổng thống Joe Biden ngồi lại với các nhà lãnh đạo G7 đồng nghiệp của mình ở Hiroshima, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á trong hai ngày tại thành phố Tây An của Trung Quốc.

Vào tháng 7, Tổng thống Vladimir Putin tiếp các nhà lãnh đạo châu Phi tại  St. Petersburg, dựa trên nỗ lực của Moscow nhằm đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đã khiến lạm phát giá năng lượng và tình trạng thiếu ngũ cốc ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia châu Phi nghèo hơn. 

Sau đó vào tháng 8, các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ gặp nhau tại Johannesburg, thảo luận sự mở rộng nhóm bao gồm 19 thành viên tiềm năng và giới thiệu một loại tiền tệ chung trong chương trình nghị sự. Cả hai chủ đề đều có lợi cho Trung Quốc, nước đầu tiên đề xuất thêm vào nhóm và ủng hộ một giải pháp thay thế cho đồng USD trong thương mại giữa các quốc gia BRICS.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: DW
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: DW

Bloomberg dẫn nguồn hai giới chức hàng đầu châu Âu giấu tên nhận định, thế giới đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây và các cường quốc phương Tây đã mất đi đòn bẩy từng có để gây áp lực về chính trị và kinh tế cho các nước đang phát triển. Một cách đơn giản: "Các cường quốc phương Tây cần chúng ta hơn là ngược lại". 

Tinh thần này phần nào được thể hiện vào tuần trước, khi đại sứ Mỹ tại Nam Phi cáo buộc Pretoria cung cấp vũ khí cho Nga - khiến đồng rand xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Trong khi Nam Phi là khách thường xuyên tại các hội nghị thượng đỉnh G7, năm nay Nhật Bản đã mời Liên minh châu Phi, hiện do Comoros làm chủ tịch, thay thế.

Hướng về "Nam bán cầu"

Các đồng minh G7 trước đây đã cố gắng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và cạnh tranh với các sáng kiến của Bắc Kinh, với nhiều kết quả khác nhau. Chiến sự tại Ukraine đã đưa ra những thách thức mới cho mục tiêu của G7, trong bối cảnh Moscow tranh thủ niềm tin ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và rộng hơn là “Nam bán cầu”. Do đó, hai “quan điểm” cốt lõi của hội nghị thượng đỉnh G7, như được trích dẫn trên trang web của chính phủ Nhật Bản, là tiếp cận với Nam bán cầu và “duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền”.

Ấn Độ, quốc gia giữ chức chủ tịch G20, muốn duy trì quyền tự chủ chiến lược và sẽ có cách tiếp cận mang tính "trao đổi" trong các thỏa thuận với Mỹ, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin chính phủ New Delhi cho biết.

Khi phải lựa chọn giữa phương Tây và Trung Quốc, Ấn Độ sẽ ủng hộ Washington và liên minh an ninh Bộ tứ QUAD với thành viên là Mỹ, Nhật Bản và Australia. Mặt khác, khi lựa chọn giữa phương Tây và Nga, New Delhi sẽ nghiêng về Moscow trong khi công khai giữ lập trường trung lập để che đậy, nguồn tin của Bloomberg cho hay.

Ấn Độ dựa vào Nga để mua vũ khí, trong khi cơ quan chính sách đối ngoại và an ninh của Ấn Độ vẫn còn ngờ vực Mỹ. 

Một trong các tài liệu đưa ra các kế hoạch hành động của EU nhằm thúc đẩy quan hệ với bốn quốc gia thí điểm: Brazil, Nigeria, Kazakhstan và Chile. Đây được đánh giá là nhiệm vụ khá thách thức, trong bối cảnh Mỹ đang mất dần một số sức mạnh truyền thống ở Mỹ Latinh, cùng lúc Trung Quốc đẩy mạnh sự hiện diện.

Đối với Tổng thống Rodrigo Chaves của Costa Rica, một đồng minh trung thành của Mỹ, Washington cần “tái cân bằng mức độ chú ý” mà họ đang dành cho khu vực này, nơi liên minh “có vẻ mong manh hơn bao giờ hết". 

Về phần Brazil, có thêm tầm ảnh hưởng, đặc biệt là khi Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cố gắng tái khẳng định vai trò một chính khách toàn cầu. Là một phần trong kế hoạch, EU sẽ xem xét khởi động lại quan hệ đối tác chiến lược với Brazil, ký kết thỏa thuận thương mại với khối Mercosur và tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng.

Mỹ vừa qua công bố kế hoạch tìm kiếm 500 triệu USD để củng cố chiến lược của Brazil nhằm bảo vệ Amazon, bất chấp những căng thẳng về cách tiếp cận của Tổng thống Lula đối với Trung Quốc và những bình luận rằng Ukraine phải chịu một phần trách nhiệm trong cuộc chiến. Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã đến thăm Brazil trong tháng này, nhấn mạnh đầu tư và việc làm mang lại như một phần của “mối quan hệ chiến lược” với nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với quan điểm một thế giới đa cực làm trọng tâm, đã đến thăm Brazil, Buenos Aires và Santiago vào đầu năm nay, đồng thời lên kế hoạch tham vấn chính phủ chung với nội các của Brazil ở Berlin vào cuối năm nay.

G7 và EU cũng đang tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các hành vi lách lệnh trừng phạt với Nga, đặc biệt là tăng cường giám sát "hàng hóa công dụng kép" có thể phục vụ mục đích dân sự hoặc quân sự. Nga đã nỗ lực để vượt qua các hạn chế đối với các công nghệ bị cấm bằng cách nhập khẩu chúng thông qua các nước thứ ba như Kazakhstan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Trung Quốc.

Các quan chức chính quyền Biden cho biết họ không yêu cầu các quốc gia lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, thay vào đó là thúc đẩy một môi trường quốc tế trong đó các chính phủ không bị các thế lực nước ngoài ép buộc. Tuy nhiên, ông Tập từng cáo buộc Washington theo đuổi “ngăn chặn” và thậm chí các đồng minh của Mỹ bị buộc phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ tiên tiến lưỡng dụng.

Theo Eric Olander - một nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh, Trung Quốc đang tiến lên phía trước với nỗ lực ngoại giao riêng. 

Trung Quốc thúc đẩy các bước ngoại giao với những nước nhỏ, bổ sung cho các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo toàn cầu, một điểm khác biệt chính đối với Mỹ, chuyên gia Eric Olander thuộc Dự án Nam Toàn cầu của Trung Quốc cho biết. 

Ông nói: “Trong khi tất cả chúng tôi đang nhìn đi hướng khác, thì ông Tập đang có cuộc điện đàm với thủ tướng của Dominica, một hòn đảo ở Caribe với 75.000 dân".