Reuters đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 24/5 cảnh báo Moscow sẽ đáp trả “nhanh chóng và mạnh mẽ” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào của các chiến binh Ukraine nhằm vào lãnh thổ của Nga.
Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết việc các chiến binh thân Ukraine sử dụng thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất trong cuộc đột kích biên giới Nga là bằng chứng phương Tây ngày càng can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Giới chức Nga đưa ra những tuyên bố trên sau khi nước này cáo buộc vũ khí phương Tây được dùng trong vụ đột kích vào vùng biên giới Belgorod hôm 22/5, khiến ít nhất một cư dân thiệt mạng và vài người khác bị thương.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 23/5 cho biết đã phá hủy một số phương tiện quân sự phương Tây trong chiến dịch đẩy lùi cuộc đột kích qua biên giới của nhóm vũ trang từ Ukraine vào vùng Belgorod.
Theo hãng tin RT, quân đội Nga ngày 23/5 công bố video cho biết, các lực lượng của họ đã phá hủy 7 phương tiện bọc thép được cho là của phương Tây trong cuộc đột kích.
Trong đó, 2 xe bọc thép M1151A1 Hummvee do Mỹ sản xuất mắc kẹt trong một hố bom và nằm bên vệ đường. Hai xe bọc thép M1224 MaxxPro cũng bị bỏ lại, loại này do công ty của Mỹ và Israel hợp tác sản xuất.
Một xe bọc thép AMZ Dzik-2 do Ba Lan sản xuất cũng bị hư hại sau một cuộc giao tranh. Trong khi đó, xe quân sự KrAZ Kobra do Ukraine chế tạo bị phá hủy hoàn toàn.
Về phần mình, Ukraine bác bỏ có liên quan đến vụ tấn công vùng Belgorod của Nga.
Cả Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đều tỏ ra hoài nghi về tính xác thực của các hình ảnh và video mà Bộ Quốc phòng Nga công bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết ông nghi cảnh quay về những chiếc xe bị phá hủy là giả.
Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder khẳng định, Mỹ chỉ cung cấp các xe quân sự này cho Ukraine, mà không cấp cho bất cứ tổ chức bán quân sự nào ngoài quân đội Ukraine.
Ông Ryder nhấn mạnh, Mỹ có những quy tắc rất nghiêm ngặt giám sát bên sử dụng cuối cùng trang thiết bị quân sự do Washington cung cấp và các đối tác Ukraine đã hợp tác chặt chẽ.
Theo quan chức Lầu Năm Góc, giới chức Mỹ "thường xuyên liên lạc với Ukraine" để đảm bảo rằng sự hỗ trợ an ninh của Washington chỉ được sử dụng trong nước để bảo vệ chủ quyền của Kiev.
Trong khi còn nhiều bí ẩn về vụ đột kích Belgorod, một số chuyên gia nhận định, những vụ tập kích tương tự nhằm vào vùng biên giới của Nga có thể làm phân tán sự tập trung của Moscow đối với chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nga nhiều lần cảnh báo việc Ukraine có thể sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công vào lãnh thổ của nước này và kịch bản đó nếu xảy ra sẽ kéo theo những hậu quả khó lường.