Một số chuyên gia quân sự cho rằng việc Nga thông báo tổ chức cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật là tín hiệu gửi tới các nhà lãnh đạo phương Tây rằng Nga rất nghiêm túc.
Thông điệp của Nga gửi phương Tây
Điện Kremlin đầu tuần này thông báo các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội Nga có liên quan trực tiếp đến tuyên bố của các quan chức và nhà lập pháp Pháp, Anh và Mỹ về việc họ sẵn sàng triển khai lực lượng quân sự ở Ukraine.
Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật đã được lên kế hoạch "trong bối cảnh những tuyên bố hiếu chiến gần đây của các quan chức phương Tây và những hành động gây bất ổn nghiêm trọng do một số nước thành viên NATO thực hiện” liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga cũng trích dẫn các tuyên bố của Ba Lan về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Ba Lan, cũng như động thái hạt nhân gần đây của Pháp và việc Tổng thống Emmanuel Macron đề cập đến khả năng cử binh sĩ Pháp và lực lượng quân đội NATO khác tới Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết, cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật sẽ nhằm "duy trì sự sẵn sàng về nhân lực và trang thiết bị của các đơn vị trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược để đáp trả và đảm bảo vô điều kiện sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Nga".
Cuộc tập trận của Nga được tiến hành trong bối cảnh Steadfast Defender, cuộc tập trận quân sự lớn nhất của NATO kể từ những năm 1980, diễn ra trên khắp châu Âu, bao gồm cả khu vực gần biên giới Nga.
Kế hoạch tập trận hạt nhân chiến thuật được Moscow thông báo giữa lúc căng thẳng gia tăng với phương Tây, khi các vị trí của Ukraine có nguy cơ sụp đổ trên chiến trường.
Tờ Vedomosti của Nga ngày 7/5 lưu ý rằng những cuộc tập trận kiểu này hiếm khi xảy ra kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nhưng đã từng được tổ chức hàng năm trong thời Xô Viết. Học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên khi sự tồn tại của quốc gia gặp nguy hiểm hoặc có nỗ lực nhằm quét sạch lực lượng hạt nhân của Nga.
Đô đốc đã nghỉ hưu Sergey Avakyants, cựu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, nói với tờ Izvestia: “Cuộc tập trận sắp tới của Nga được thúc đẩy bởi căng thẳng gia tăng do phương Tây gây ra, đặc biệt là bởi những tuyên bố rằng lực lượng NATO, bao gồm cả quân đội Mỹ, có thể được triển khai tới Ukraine”.
Không giống như kho vũ khí hạt nhân chiến lược, kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga không bị hạn chế bởi các hiệp ước. Những vũ khí này có thể được bắn từ một loạt hệ thống dùng chung với các loại vũ khí thông thường, bao gồm hệ thống tên lửa Iskander-M, tên lửa hành trình Kalibr và Kh-59, tên lửa hoặc bom thả từ trên không, tàu ngầm tên lửa hành trình lớp Yasen và một loạt hệ thống pháo thông thường, bao gồm Msta-S, Akatsiya và Giatsint-S, Pion, Malka và Tyulpan.
Giới chuyên gia nói gì về cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của Nga?
Nhà nghiên cứu Ilya Kramnik tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng thông báo về cuộc tập trận không làm thay đổi học thuyết hạt nhân quốc gia của Moscow. Điều đáng chú ý nhất là cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh "có những tuyên bố khiêu khích nhất định từ quan chức các nước NATO".
Trong khi đó, chuyên gia an ninh Dmitry Stefanovich tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định rằng những tuyên bố mới nhất từ các quan chức Nga là một thông điệp hạt nhân rõ ràng, điều chưa từng xảy ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.
Chuyên gia Stefanovic lưu ý, phản ứng cứng rắn của Nga báo hiệu rằng trong trường hợp xảy ra xung đột cường độ cao chống lại một đối thủ vượt trội, nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược.
Về phần mình, Alexei Leonkov, chuyên gia công nghệ quốc phòng tại Moscow, nói với Sputnik rằng cuộc tập trận sắp tới sẽ gửi thông điệp tới bất kỳ quốc gia nào cho rằng Nga không có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Đồng thời, ông Leonkov cảnh báo rằng việc phương Tây một lần nữa chọn cách phớt lờ những cảnh báo của Nga về vấn đề này "là một sai lầm nghiêm trọng".
Mặc dù vậy, chuyên gia Leonkov không cho rằng bất kỳ cuộc tập trận nào của Moscow trong tương lai sẽ liên quan đến việc sử dụng đạn hạt nhân trực tiếp, do Nga tuân thủ cam kết không tham gia thử nghiệm hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào.
"Nếu chúng ta đang nói về chính sách đối ngoại, (người phát ngôn của Điện Kremlin) Dmitry Peskov nói rằng đây là một tín hiệu nhất định cho các nước phương Tây đang "tham chiến" ở Ukraine, những quốc gia đang có kế hoạch chính thức gửi quân đội tới đó, hoặc sẽ cung cấp một số loại vũ khí cho phép Ukraine bắn vào lãnh thổ nước Nga" - ông Leonkov lý giải thêm.
Nói cách khác, kế hoạch tổ chức tập trận hạt nhân chiến thuật của Nga nhằm gửi đi thông điệp đến phương Tây rằng Moscow chỉ sẵn sàng chấp nhận ở mức độ "có giới hạn" đối với các hành vi gây hấn, chuyên gia Leonkov nhấn mạnh.
Liên quan đến các tuyên bố mới nhất của Moscow về kế hoạch tổ chức cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Earl Rasmussen, Trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định rằng đây là tín hiệu gửi tới các nhà lãnh đạo phương Tây rằng Nga rất nghiêm túc.
Theo ông Rasmussen, nếu các nhà lãnh đạo phương Tây leo thang vấn đề này hơn nữa bằng sự can dự trực tiếp vào cuộc xung đột tại Ukraine, quân đội Nga sẽ buộc phải trực tiếp đối đầu với các lực lượng phương Tây. Đồng thời, cựu quân nhân Mỹ cảnh báo điều này có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, khiến tình hình leo thang và cuối cùng dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực.
“Tôi không tin rằng Nga muốn làm điều này. Dường như chính quyền Moscow đang cố gắng gửi tín hiệu cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây đừng leo thang hơn nữa” - nhà bình luận các vấn đề quân sự và quốc tế từng làm việc trong quân đội Mỹ 20 năm cho biết thêm.
Thật không may, ông Rasmussen cảnh báo, trong trường hợp mặt trận Kiev sụp đổ, những tuyên bố thù địch từ các nước phương Tây về việc can dự vào Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga. Cựu quân nhân Mỹ nhấn mạnh: “Đây là một hành động khiêu khích rất nguy hiểm, một sự leo thang vô cùng nghiêm trọng. Tôi cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây không nên làm điều đó”.