Phương Tây ngạc nhiên vì tốc độ của Ukraine
Chính quyền Tổng thống Vladimir Zelensky đã báo trước cho phương Tây về kế hoạch phản công cùng lúc trên hai mặt trận ở Kherson và Kharkiv nhằm giành lại lãnh thổ bị Nga kiểm soát. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng cấp cao của phương Tây đã ngạc nhiên về tốc độ tiến quân của Ukraine tại miền bắc, tờ Politico ngày 12/9 dẫn lời bốn quan chức Lầu Năm Góc cho biết.
Ukraine đang chiếm ưu thế với chiến dịch phản công chớp nhoáng ở tỉnh Kharkiv, đông bắc nước này. Chiến dịch chỉ bắt đầu từ đầu tháng này sau kế nghi binh phản công ở miền Nam - nơi Ukraine mở chiến dịch phản công ở tỉnh Kherson. Tổng thống Zelensky hôm 12/9 xác nhận kể từ đầu tháng 9, quân đội Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát hơn 6.000 km2 lãnh thổ ở cả miền Đông và miền Nam, đẩy lùi binh sĩ Nga đến tận biên giới.
Lực lượng Nga đã rút khỏi 2 trung tâm hậu cần quan trọng là Izium và Kupiansk. Bộ Quốc phòng Nga hôm 11/9 cũng công bố một bản đồ cho thấy các lực lượng Nga gần như đã rút hoàn toàn khỏi tỉnh Kharkiv. Một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ xác nhận phần lớn lực lượng Nga đã rút khỏi Kharkiv.
Theo tờ Politico, cuộc phản công tại Kharkiv được thực hiện với lực lượng tương đối nhỏ là vài lữ đoàn với vài ngàn binh sĩ. Tuy nhiên, lực lượng phòng thủ của Nga khu vực này được cho là mỏng nên đã bị hỏa lực Ukraine lấn át. Ông Vitaly Ganchev, quan chức do Nga bổ nhiệm tại tỉnh Kharkiv, ngày 12/9 nói rằng quân đội Ukraine đang triển khai lực lượng đông gấp 8 lần các đơn vị của Nga và lực lượng dân quân thân Nga trong chiến dịch phản công ở khu vực này.
Theo giới chuyên gia quân sự, quy mô và tốc độ tiến quân của Ukraine được hỗ trợ bởi số vũ khí phương Tây cung cấp, đặc biệt là các loại pháo và giàn phóng tên lửa hiện đại, radar đối kháng và xe bọc thép hạng nặng.
Các quan chức phương Tây hiện đang theo dõi sát sao xem chiến dịch phản công của Ukraine sẽ tiến xa đến đâu ở vùng Donbass. Giới chức phương Tây cho rằng Ukraine có thể sẽ tiếp đà tiến công bằng cách sử dụng đạn dược và vũ khí mà Nga để lại sau khi rút quân.
Chuyên gia Michael Kofman của tổ chức CNA nhận định: “Chúng tôi chờ đợi xem liệu Ukraine có thể khai thác thêm động lực mà họ đã phát triển ở vùng Donbass hay không. Nhiều khả năng các lực lượng Nga sẽ cố gắng phục hồi sau khi rút quân và thực hiện các cuộc phản công cục bộ".
Theo chuyên gia Kofman, giai đoạn hiện tại được xem là cơ hội để Ukraine nắm giữ thế chủ động trên chiến trường và đạt mục tiêu giành thêm các vùng lãnh thổ ngay trong mùa đông này.
Moscow bác khả năng rút quân khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 12/9, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, cả Ukraine lẫn Nga đều quan tâm đến đề xuất của tổ chức này trong việc thiết lập vùng an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.
Bên cạnh đó, lãnh đạo IAEA bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye khi liên tục hứng chịu các đợt pháo kích trong thời gian gần đây. Trước đó, IAEA hôm 11/9 thông báo rằng các cuộc tham vấn đã được khởi động để “thiết lập vùng an ninh và an toàn” xung quanh nhà máy Zaporozhye.
Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố Nga không có kế hoạch rút quân khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine. “Hiện tại, không có cuộc thảo luận nào về việc rút quân khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Vấn đề thảo luận là buộc Ukraine phải chấm dứt các cuộc pháo kích vào nhà máy này, điều có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc và đáng buồn” - ông Peskov nói trong cuộc họp báo hôm 12/9.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng Nga một lần nữa kêu gọi “các quốc gia có ảnh hưởng đối với phía Ukraine” sử dụng ảnh hưởng đó “để ngăn chặn các cuộc pháo kích tiếp tục diễn ra hàng ngày”.
Zaporozhye là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu và có tổng cộng 6 lò phản ứng. Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine từ tháng 3 nhưng cơ sở này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành. Thời gian gần đây, khu vực xung quanh nhà máy xảy ra nhiều vụ tấn công quân sự. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau pháo kích nhà máy, dẫn tới yêu cầu IAEA thanh sát cơ sở này.
IAEA hôm 6/9 đã kêu gọi thiết lập ngay “vùng an ninh và an toàn” xung quanh nhà máy Zaporozhye nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra một số “sự cố hạt nhân” do các hành động quân sự. Tuy nhiên, Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc, ông Vasily Nebenzya, khẳng định rằng việc phi quân sự hóa sẽ không thể đảm bảo an ninh cho nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, mà thay vào đó sẽ gây ra rủi ro từ các hành động khiêu khích của Ukraine.
Cơ quan năng lượng hạt nhân Ukraine hôm 11/9 thông báo nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye do Nga kiểm soát đã tắt lò phản ứng cuối cùng và đóng cửa để đảm bảo an toàn.