Mặc dù vẫn chiếm ưu thế trong giao dịch thương mại quốc tế, song vị thế thống trị của đồng bạc xanh đang bị lung lay khi nhiều nền kinh tế lớn tăng cường sử dụng các loại tiền tệ khác trong hợp đồng mua bán dầu mỏ.
Nga, Ấn Độ nỗ lực “phi đô la hóa” trong giao dịch năng lượng
Thương mại dầu mỏ ở Ấn Độ sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là một minh chứng rõ ràng về quá trình chuyển đổi tiền tệ mang tính bền vững.
Nga đã trở thành nhà cung cấp “vàng đen” hàng đầu cho Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, sau khi châu Âu áp lệnh cấm vận với nhiên liệu của Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Theo các nguồn tin ngân hàng tiết lộ với Reuters, kể từ khi chính sách trần giá của phương Tây đối với dầu thô của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12/2022, các khách hàng Ấn Độ đã thanh toán cho nhà cung cấp bằng nhiều loại tiền tệ khác không phải USD, bao gồm cả đồng dirham của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và đồng ruble Nga.
Các giao dịch dầu mỏ giữa Nga và Ấn Độ bằng các loại tiền tệ khác trong 3 tháng qua có tổng trị giá tương đương vài trăm triệu USD.
Trong những tuần gần đây, một số nhà giao dịch ở Dubai, cũng như tập đoàn năng lượng Gazprom và Rosneft của Nga, đang hướng đến các khoản thanh toán không dùng đồng USD cho một số loại dầu nhất định của Moscow được bán cao hơn mức giá trần 60 USD/thùng.
Thanh toán hợp đồng dầu mỏ bằng USD từng là một thông lệ gần như phổ biến trong nhiều thập kỷ. Để so sánh, theo thông tin từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng (SWIFT) tỷ lệ giao dịch đồng USD trong tổng khối lượng thanh toán quốc tế trong tháng 1/2023 là 40%.
Ông Daniel Ahn, cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, sức mạnh của đồng USD là vô song, tuy nhiên các biện pháp trừng phạt có thể làm suy yếu hệ thống tài chính của phương Tây.
Ngoài ra, chính phủ Nga cũng tuyên bố họ sẽ chấp nhận thanh toán hợp đồng dầu mỏ bằng đồng nội tệ của các nước "thân thiện", đồng thời yêu cầu các quốc gia EU "không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble.
“Nga rất cần giao dịch với phần còn lại của thế giới vì nước này vẫn phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, do đó họ đang xem xét tất cả những giải pháp thanh toán khả thi nhất đối với các nước thân thiện. Họ đang làm việc để xây dựng cơ sở hạ tầng trực tiếp giữa hệ thống ngân hàng Nga và Ấn Độ” - ông Alexandra Prokopenko, nhà phân tích độc lập và cựu cố vấn tại Ngân hàng trung ương Nga cho biết.
Trong khi đó, ngân hàng cho vay lớn nhất của Ấn Độ có tài khoản ngoại tệ tại Nga. Tương tự, nhiều ngân hàng của Nga cũng đã mở tài khoản với các ngân hàng Ấn Độ để tạo thuận lợi cho thương mại song phương.
Ấn Độ trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2022, Ấn Độ đã thay thế châu Âu, trở thành khách hàng hàng đầu của Nga về dầu vận chuyển bằng đường biển. Lượng nhập khẩu dầu từ Moscow sang quốc gia Nam Á đã tăng gấp 16 lần so với mức trước khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Dầu thô Nga hiện chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ.
Mặc dù Ấn Độ không công nhận lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, nhưng phần lớn giao dịch mua dầu của Nga bằng bất kỳ loại tiền tệ nào đều tuân thủ các biện pháp trừng phạt và phần lớn hợp đồng dầu mỏ đều được giao dịch dưới mức giá trần.
Theo nhiều nguồn tin thương mại, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ trong những tuần gần đây đã bắt đầu thanh toán một số giao dịch mua dầu của Nga bằng đồng ruble. Theo đó, các khoản thanh toán này đã được ngân hàng Ấn Độ xử lý một phần thông qua tài khoản bằng đồng ruble tại Nga.
Các giao dịch này chủ yếu là mua dầu từ các công ty năng lượng quốc gia Gazprom và Rosneft của Nga. Ngoài ra, Ngân hàng Baroda và Ngân hàng Axis của Ấn Độ đã xử lý hầu hết các khoản thanh toán bằng đồng dirham của UAE.
Trong khi đó, chính quyền New Dehli cũng chuẩn bị kế hoạch thực hiện các giao dịch thương mại với Nga bằng đồng rupee nếu việc thanh toán bằng đồng ruble bị cắt đứt bởi các lệnh trừng phạt tiếp theo của phương Tây.