KTĐT - Cha đẻ của Playboy ra giá 5,5 USD mỗi cổ phiếu, cao hơn giá đóng cửa thứ 6 tuần trước 1,56 USD.
Cổ phiếu của hãng giải trí dành cho người lớn tăng hơn 40% hôm thứ hai sau khi người sáng lập Hugh Hefner đề nghị biến Playboy Enterprises thành của riêng.
Cha đẻ của Playboy ra giá 5,5 USD mỗi cổ phiếu, cao hơn giá đóng cửa thứ 6 tuần trước 1,56 USD. Cùng lúc đó, theo Wall Street, FriendFinder Networks Inc - công ty mẹ của tạp chí dành cho đàn ông Penthouse cũng ngỏ lời mua Playboy. Giá cổ phiếu này đã tăng thêm 40% lên mốc 5,55 USD vào cuối phiên thứ hai tuần này.
Playboy số ra đầu tiên với hình ảnh trang bìa Marilyn Monroe . |
Hefner cho ra đời Playboy vào năm 1953 và cổ phần hóa công ty này năm 1971. Nội dung của tạp chí là các bức ảnh khỏa thân của phụ nữ, tranh ảnh biếm họa và truyện viễn tưởng. Ấn bản đầu tiên có hình Marilyn Monroe ngoài bìa. Tạp chí này phát triển nhanh chóng ra toàn thế giới vào thập kỉ 60 và 70 khi Hefner còn điều hành hoạt động công ty. Ngoài tạp chí, Playboy còn tạo ra các video cho website và mạng truyền hình cáp của mình, cũng như bán bản quyền các sản phẩm với logo hình tai thỏ.
Hefner đang sở hữu 69,5% cổ phiếu phổ thông hạng A và 27,7% cổ phiếu hạng B của công ty. Hiện nay Playboy có 33,5 triệu cổ phiếu được lưu hành, và nếu tính theo mức giá chào mua của Hefner, giá trị của công ty vào khoảng 184 triệu USD.
Các nhà phân tích đã đưa ra nhiều dự đoán khác nhau về động cơ của Hefner. Liệu rằng ông đang khéo léo tạo ra cuộc chơi quyền lực đối với một tài sản bị định giá thấp? Hay ông đang muốn giành lại công ty do chính mình thành lập cách đây hơn nửa thế kỉ từ một cơ chế điều hành mà ông cho là sai lệch? David Bank, nhà phân tích của RBC Capital Markets, cho biết: “Việc này thật kì lạ, nhưng có lẽ lời giải thích đơn giản nhất là công ty này có giá trị cao hơn cái giá mà nó đang được giao dịch, và Hefner biết điều đó, còn chúng ta thì không”.
CEO Marc Bell của FriendFinder thì thổ lộ: “Chúng tôi đã quan tâm đến Playboy trong suốt một thời gian dài, và chúng tôi cũng đang tìm kiếm một số phương án”. Nhưng ông cho biết rằng mình chỉ quan tâm đến tiềm năng trực tuyến của Playboy mà thôi. Vì vậy nên nếu thành công với thương vụ này, thì ông cũng không hề có ý định đuổi Hugh Hefner ra khỏi lâu đài Los Angeles – nơi công ty sử dụng cho các show truyền hình, các buổi chụp ảnh và tổ chức sự kiện. Đầu năm nay, FriendFinder cũng đã trì hoãn đợt IPO của mình, và nói rằng họ đang chờ “sự cải thiện của thị trường”.
Trong lá thư đề nghị của mình, Hefner cũng nói rằng ông không muốn bán cổ phiếu hay sáp nhập Playboy với bên thứ ba để tránh ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như hướng biên tập của tạp chí này.
Trang bìa tạp chí Playboy số ra tháng 9/2007. |
Một nguồn tin từ công ty cho hay mặc dù hội đồng đã nhận được lời đề nghị của Hefner, nhưng việc đó không có nghĩa là vụ mua bán này sẽ xảy ra. Xét về mặt nào đó, động thái này của Hefner dường như là để chơi khăm Flanders – CEO mới của Playboy. Ông David Miller, Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Caris & Company, cho biết: “Theo ý kiến của tôi, ít nhất thì lời đề nghị này cũng trực tiếp xung đột với mục tiêu mà CEO Flanders và ban điều hành của ông đang theo đuổi, chúng tôi khá chắc rằng Scott Flanders nghĩ ông ta có thể tự mình đưa giá cổ phiếu của Playboy tăng lên 5,5 USD. Và do vậy, bằng việc đưa ra giá 5,5 USD, gần như là Hugh Hefner đang nói với Flanders rằng ‘Tôi không tin anh có thể làm được điều đó’”.
Tháng 12/2008, sau 20 năm lãnh đạo, con gái của Hefner – Christie Hefner, đã từ bỏ vị trí CEO sau nhiều năm lợi nhuận giảm sút ở gần như tất cả các chi nhánh của Playboy. Người được chọn thay thế là Scott Flanders. Gần đây, phó giám đốc của Playboy là Michael Dannhauser cũng tuyên bố rời công ty, và sau đó vị trí của ông đã được giao cho Christoph Pachler.
Mới đây, Playboy thông báo kế hoạch tái cơ cấu trong nỗ lực “chuyển đổi thành một công ty quản lý thương hiệu”. Họ đang tích cực tìm kiếm đối tác để gia tăng lợi nhuận từ các sản phẩm bản quyền, mở rộng các câu lạc bộ và sòng bài có tên tuổi. Playboy đã phải chịu nhiều sức ép khi số lượng tạp chí bán ra hàng năm sụt giảm nghiêm trọng cùng với sự bùng nổ của các dịch vụ cung cấp nội dung người lớn trực tuyến miễn phí. Lợi nhuận từ việc cấp phép sử dụng thương hiệu cũng giảm dần. Họ thậm chí đã phải cắt giảm việc làm, đóng cửa văn phòng ở New York và tất cả các công việc không thuộc biên tập thì thuê American Media làm thay.
Năm 2006, doanh thu của Playboy là 331 triệu USD, giảm 16 triệu USD so với năm 1999. Năm ngoái, con số này giảm xuống chỉ còn 240 triệu USD. Và vào quý một năm nay, Playboy đã thông báo lỗ 1 triệu USD. Lượng phát hành tạp chí chạm mốc kỷ lục 7,1 triệu vào cuối năm 1972, nhưng năm ngoái, con số này chỉ còn 2,6 triệu bản, và vào tháng 10, Playboy sẽ cắt giảm xuống chỉ còn 1,5 triệu bản.