Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi hôm 8/6 đã chia sẻ quan điểm của ông về những quyết định của các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt thế giới trong thời gian gần đây, đặc biệt là cuộc chiến dầu mỏ Riyadh-Moscow xảy ra hồi tháng 3, khiến giá dầu lao dốc mạnh trong tháng 4.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar nói rằng cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga là một sai lầm nghiêm trọng khiến giá dầu rơi tự do. |
“Tôi nghĩ đó là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng”, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi, kiêm Giám đốc điều hành Công ty dầu mỏ quốc gia Qatar Oil, phát biểu trên kênh CNBC hôm 8/6.
“Sau khi bùng phát cuộc chiến giá giữa hai nhà sản xuất dầu chủ chốt của OPEC+, tình trạng dư cung tái xuất hiện khiến giá dầu sụt giảm. Bên cạnh yếu tố dầu mỏ được bơm ngập thị trường, nhu cầu đối với mặt hàng này cũng giảm kỷ lục do các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 trên khắp thế giới.
Bộ trưởng al-Kaabi lưu ý thêm rằng trước cú sốc kép từ cuộc chiến giá dầu Saudi-Nga cùng tác động của khủng hoảng dịch Covid-19, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận mức giá âm hồi tháng 4 vừa qua.
Đà lao dốc của giá dầu chủ yếu do nhu cầu sụt mạnh trong bối cảnh các nước áp lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế để tránh sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Do bất đồng với Nga trong chính sách điều hành sản lượng, hồi đầu tháng 3, Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, giảm giá bán và tăng tối đa sản lượng khai thác dầu mỏ.
Tuy nhiên, trước đà rơi tự do của giá dầu, các nước thành viên OPEC+ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, và nhất trí cắt giảm sản lượng lịch sử 9,7 triệu thùng/ngày từ đầu tháng 5.
Nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của OPEC+, giá dầu Brent đã phục hồi gần 40% trong tháng 5, song hiện vẫn thấp hơn 46% so với cùng thời điểm năm ngoái.
“Theo quan điểm của tôi, sự hỗ trợ quan trọng nhất đối với thị trường năng lượng hiện tại là các thành viên OPEC+ phải đoàn kết, thống nhất với thỏa thuận đã đạt được trước đây nhằm cân bằng cung - cầu” - ông al-Kaabi nhấn mạnh.
“Tôi nhận thấy các quốc gia thành viên chủ chốt trong OPEC+ hiện đã thu hẹp được bất đồng về chính sách điều hành sản lượng, hy vọng nhu cầu sẽ sớm phục hồi về mức bình thường khi nhiều nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa và biện pháp giãn cách xã hội, bắt đầu tái khởi động nền kinh tế”.
Bộ trưởng al-Kaabi cũng lưu ý rằng khả năng tái bùng phát dịch Covid-19 thứ hai có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu đối với năng lượng, bao gồm cả khí đốt tự nhiên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Al-Kaabi cho rằng nguy cơ này cũng không tác động nhiều đến thị trường dầu mỏ về dài hạn nhờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của OPEC+.
Qatar rời OPEC từ tháng 1/2019 sau 6 thập kỷ liên tục tham gia liên mình này. Tháng này cũng đánh dấu tròn 3 năm Qatar bị các nước láng giềng, gồm Ả Rập Saudi, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, áp đặt biện pháp phong tỏa về kinh tế và ngoại giao.