Quản lý nhà đất công: Gỡ vướng mắc để khơi thông nguồn lực

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc sắp xếp, xử lý tài sản nhà, đất công sản trên địa bàn TP Hà Nội gặp nhiều vướng mắc do những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều tài sản do xảy ra tranh chấp và không đủ tài liệu hồ sơ..., đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải sớm tháo gỡ, tránh bỏ phí nguồn lực xã hội.

Vướng mắc về quy định
Thời gian qua, vấn đề quản lý, sử dụng tài sản nhà, đất công sản trên địa bàn TP Hà Nội nảy sinh vướng mắc, khó khăn. Số liệu tổng hợp của UBND TP Hà Nội, từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Qua đó, làm cơ sở xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất do sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc TP, UBND quận, huyện, thị xã, DN Nhà nước quản lý, với diện tích 43.791.407m2 đất, 9.919.172m2 nhà. Trong đó, còn 300 cơ sở thuộc quỹ nhà chuyên dùng chưa đủ điều kiện phê duyệt do không đủ hồ sơ tài liệu, xảy ra tranh chấp, chiếm khoảng gần 3% số lượng cơ sở nhà, đất công.
Cần linh hoạt trong công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà, đất công.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của những cơ quan, đơn vị, DN T.Ư trên địa bàn để Bộ Tài chính phê duyệt theo thẩm quyền, đối với 1.937 cơ sở diện tích 18.201.896m2 đất, 7.784.662m2 nhà (chưa tính số lượng nhà, đất do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ).
Tuy nhiên, khoản 1, Điều 17 Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định, trường hợp cần thay đổi phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập phương án trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
"Vướng mắc phát sinh khi thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, chủ yếu là việc thực hiện chuyển tiếp đối với cơ sở nhà, đất của DN thuộc diện cổ phần hóa, thoái vốn đã được UBND TP phê duyệt góp vốn liên doanh, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư. Như vậy, việc sắp xếp, xử lý lại các cơ sở nhà đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP chỉ thực hiện đối với những cơ sở nhà đất có sự thay đổi so với phương án được phê duyệt hoặc đề xuất phê duyệt mới, gây ra khó khăn cho công tác sắp xếp, xử lý” - đại diện UBND TP Hà Nội cho hay.
Cần linh hoạt trong quản lý
Tại Văn bản số 242/BC-UBND trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026, UBND TP Hà Nội cho biết, căn cứ Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài chính tổ chức hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN triển khai rà soát, kê khai, đề xuất sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, gửi về Sở Tài chính trước ngày 15/10/2021 tổng hợp, trình UBND TP phê duyệt theo quy định.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, DN tiếp tục quản lý, sử dụng nhà, đất theo phương án đã được UBND TP phê duyệt chưa hoàn thành theo đúng quy định, liên hệ Sở TN&MT để hoàn tất thủ tục về đo đạc diện tích và hoàn thiện giấy tờ gồm: Quyết định giao, cho thuê đất; Hợp đồng thuê đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất; Cập nhật hiện trạng, di biến động vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công...
Đồng thời thực hiện kê khai, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý lại theo 3 nhóm: Cơ sở thực tế sử dụng thay đổi so với phương án sắp xếp lại mà UBND TP phê duyệt, đề nghị điều chỉnh phương án theo khoản 15 Điều 1 Nghị định số 67/2021/NĐ-CP; Cơ sở được phê duyệt bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành việc bán hoặc hoàn thành chuyển mục đích sử dụng đất theo thời hạn quy định mà cơ quan, người có thẩm quyền không cho phép gia hạn, nay phải đề xuất phê duyệt lại phương án; Cơ sở chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý.
Liên quan đến vấn đề sắp xếp, xử lý tài sản nhà, đất công trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, hiện nay, nhiều cơ sở nhà, đất công đang bị bỏ trống không sử dụng hoặc sử dụng chưa hết công suất, gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội. Nhà nước vừa mất đi nguồn thu, đồng thời vẫn phải chi ngân sách để phục vụ công tác quản lý, bảo dưỡng, bảo trì, trong khi nhiều đơn vị đang quản lý nhà, đất công cũng đang ở tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, đặc biệt là những đơn vị sự nghiệp tự chủ thu chi.
“Theo tôi cần phải linh hoạt trong công tác quản lý đối với tài sản nhà, đất công. Những cơ sở nhà, đất công bỏ trống không sử dụng nên giao cho đơn vị đang quản lý tổ chức kinh doanh cho thuê hoạt động giống như một DN, thu - chi rõ ràng, minh bạch, sau khi trừ hết những chi phí quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì... còn lại phải nộp về ngân sách Nhà nước. Làm được như vậy sẽ lợi cả đôi đường, Nhà nước vẫn có nguồn thu mà không phải chi thêm tiền cho công tác quản lý đối với nhóm tài sản này” - ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

“Ở nước ta, pháp luật hiện hành gồm cả pháp luật đất đai và pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công đều coi đất đai là tài sản công, quyền sử dụng đất là quyền của người sử dụng. Không có phân biệt gì giữa trường hợp quyền sử dụng đất thuộc khu vực công, quyền sử dụng đất thuộc khu vực tư. Vì vậy, pháp luật đất đai cần phải sửa gấp để minh định được khái niệm quyền sử dụng đất thuộc khu vực tư, quyền sử dụng đất thuộc khu vực công” - GS. TSKH Đặng Hùng Võ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần