Quan ngại Nga tiếp tục cắt nguồn cung, giá khí đốt châu Âu tăng kỷ lục

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh khi đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 do lo ngại Nga tiếp tục siết nguồn cung.

Từ ngày 27/7, lượng khí đốt Nga đi qua Nord Stream 1 giảm còn 20% công suất của đường ống. Ảnh: FT
Từ ngày 27/7, lượng khí đốt Nga đi qua Nord Stream 1 giảm còn 20% công suất của đường ống. Ảnh: FT

Theo tờ Wall Street Journal, giá khí đốt tại châu Âu tăng khoảng 6% trong phiên giao dịch ngày 1/8 sau khi tập đoàn năng lương quốc gia Nga Gazprom quyết định ngừng cấp khí đốt đến Latvia.

Trước đó, hôm 30/7,  Gazprom thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho nước láng giềng Latvia với lý do vi phạm thỏa thuận thanh toán. "Gazprom đình chỉ cung cấp khí đốt cho Latvia do vi phạm điều khoản mua bán", tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đăng thông báo hôm 30/7.

Động thái được đưa ra một ngày sau khi công ty năng lượng Latvia Latvijas Gaze thông báo sẽ thanh toán khí đốt Nga bằng euro thay vì đồng rúp như quy định của Gazprom.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 tuyên bố "các quốc gia không thân thiện" sẽ phải thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga bằng đồng rúp. Danh sách "nước kém thân thiện" gồm các quốc gia áp đặt lệnh cấm vận với Nga, trong đó có Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.

Nga đã cắt nguồn cung khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch sau khi các nước này từ chối thanh toán khí đốt bằng rúp.

Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italia và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.

Tuy nhiên, dòng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu giảm sút mạnh trong những tháng gần đây.

Từ tuần trước, lượng khí đốt đi qua Nord Stream 1 - tuyến dẫn khí đốt chính giữa Nga và châu Âu - giảm còn 20% công suất của đường ống. Giới chức Moscow lý giải việc giảm lượng cung cấp khí đốt này là do một tuabin của đường ống Nord Stream 1 được gửi tới Canada để bảo trì hiện vẫn chưa được trả về, trong khi một tuabin khác lại cần phải sửa.

Do bất ổn về nguồn cung, giá khí đốt trung bình ở châu Âu đã tăng gần 50% trong tháng 7.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn dữ liệu của sàn giao dịch ICE London cho biết giá khí đốt trung bình ở châu Âu trong tháng 7 đã tăng gần 50% - từ 1.180 lên 1.805 USD/1.000 mét khối.

Trong khi đó, các hợp đồng khí đốt tương lai giao dịch trong khoảng 1.530-2.385 USD/1.000 mét khối. Hồi tháng 7 năm ngoái, giá chỉ ở mức dưới 500 USD/1.000 mét khối.

Các chuyên gia cảnh báo giá khí đốt tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung từ Nga ngày càng hạn hẹp.

Alexander Amiragyan - Giám đốc Cơ quan Năng lượng và Nhiên liệu Nga nhận định: “Trong bối cảnh nguồn cung từ Nga ở mức thấp, không nên kỳ vọng giá khí đốt ở châu Âu sẽ giảm, vì các nguồn cung thay thế khác trong ngắn hạn sẽ không thể bù đắp cho sự sụt giảm khối lượng khí đốt của Nga”.

Theo ông Amiragyan, giá khí đốt tiếp tục tăng là do nhiều yếu tố, như triển vọng không chắc chắn về khôi phục nguồn cung khí đốt từ Nga, thời tiết nắng nóng ở châu Âu và giảm sản xuất năng lượng từ các nguồn thay thế.

Nhà phân tích Amiragyan lưu ý thêm rằng giá khí đốt sẽ tiếp tục leo thang trong trường hợp cạnh tranh gia tăng giữa người tiêu dùng châu Âu và châu Á trên thị trường thế giới.

Trong cảnh báo đưa ra ngày 1/8, các chuyên gia của Bank of America cho biết cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở châu Âu thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn khi các kho dự trữ tại châu lục này có thể cạn kiệt vào mùa đông sắp tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần