Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan tâm hơn đến học sinh lớp 1 trong năm học tới

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Năm học 2022 - 2023, có 0,64% học sinh lớp 1, 2, 3 tại Hà Nội xếp loại chưa hoàn thành; trong đó, số lượng không hoàn thành lớp 1 chiếm tỷ lệ cao nhất. Thực tế này đòi hỏi các nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến đối tượng học sinh lớp 1.

Khối tiểu học cần được quan tâm hơn
Học sinh lớp 1 cần được quan tâm hơn để hoàn thành tốt chương trình học

Năm học 2022 – 2023 là năm thứ 3 ngành giáo dục thực hiện Chương trình GDPT 2018. Với cấp tiểu học, lớp 1, 2, 3 học chương trình mới, còn lớp 4, 5 học chương trình cũ.

Để thực hiện tốt Chương trình mới, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục tiểu học đã phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng SGK mới, đảm bảo 100% giáo viên được tập huấn trước khi đứng lớp. Các cơ sở giáo dục đều ưu tiên chọn lựa, phân công giáo viên có trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm dạy lớp 1, 2, 3.

Kết thúc năm học 2022 - 2023, toàn TP có 99,36 học sinh lớp 1, 2, 3 hoàn thành chương trình; trong đó hoàn thành xuất sắc chiếm 39,52%, hoàn thành tốt chiếm 11,8%, hoàn thành chiếm 47,95%, chưa hoàn thành chiếm 0,64%.

Tỷ lệ hoàn thành chương trình của học sinh lớp 4, 5 đạt 99,87%, trong đó hoàn thành tốt chiếm 52,01%, hoàn thành chiếm 47,86%, chưa hoàn thành chiếm 0,13%. Có 99,95% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học.

Theo Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) Đào Tân Lý, số học sinh chưa hoàn thành lớp 1 chiếm tỷ lệ cao hơn các lớp còn lại. Tuy đây là điều bình thường nhưng năm học tới, phòng sẽ chỉ đạo các đơn vị tích cực, quan tâm nhiều hơn với học sinh lớp 1 để các em tự tin hoàn thành nội dung chương trình học.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023; triển khai nhiệm vụ năm học 2023- 2024 cấp tiểu học diễn ra sáng 17/8, Sở GD&ĐT Hà Nội ghi nhận: Năm  học qua, toàn cấp học đã tiếp tục tổ chức và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, các cuộc vận động, phong trào thi đua của các cấp, các ngành. Quá trình thực hiện nhiệm vụ có nhiều biện pháp cải tiến đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực.

Cùng việc thực hiện đúng các quy định, cấp tiểu học đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch nhà trường khoa học, khả thi và triển khai thực hiện linh hoạt, hiệu quả; chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học tiếp tục nâng cao; công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện đổi mới phương pháp dạy học luôn chủ động, tích cực.

Tuy nhiên, cấp tiểu học tại Hà Nội còn tình trạng thiếu giáo viên, nhất là với các môn Tin học, ngoại ngữ; vẫn có trên 1.600 lớp có sỹ số trên 50 em/lớp, một số quận chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhiều khu đô thị không có trường học; chưa có tài liệu in để thực hiện hoạt động giáo dục địa phương…

Một trong những điểm mới trong năm học 2023 – 2024, đó là ngoại ngữ 1 không chỉ là tiếng Anh mà còn được mở rộng ra các ngôn ngữ khác gồm tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Trung. Căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất và nguồn giáo viên, các nhà trường có thể lựa chọn ngoại ngữ 1 phù hợp trên cơ sở đảm bảo tính liên thông và các yêu cầu theo quy định.

Việc tổ chức dạy học mạch nội dung giáo dục “Địa phương em” cần được thực hiện trước khi tổ chức dạy học các nội dung khác nhằm đảm bảo nguyên tắc xây dựng chương trình môn học; quan tâm bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sơ vật chất để triển khai hiệu quả nội dung giáo dục STEM tại các nhà trường.

Cùng với đó, các đơn vị quan tâm hơn đến công tác bồi dưỡng đội ngũ, chế đội đãi ngộ, tuyển dụng giáo viên; nâng cao giải pháp phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, giáo dục kỹ năng sống đảm bảo an toàn cho học sinh; đẩy mạnh phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" để kéo gần khoảng cách giáo dục giữa nội thành - ngoại thành....