Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan tâm, tạo điều kiện cho người lao động gắn bó, ổn định công việc

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 2/11, Đoàn giám sát của Ban Văn hoá-Xã hội HĐND TP Hà Nội đã làm việc với Sở LĐTB&XH về việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Hà Nội.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (số 215, phố Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy)
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (số 215, phố Trung Kính, Yên Hoà, Cầu Giấy)

Hàng chục nghìn lao động tìm được việc làm qua Sàn giao dịch

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH về kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2020 đến nay, Sở đã tham mưu UBND TP ban hành 38 văn bản. Cùng đó, căn cứ kế hoạch, nhiệm vụ được giao, Sở đã xây dựng và ban hành 98 văn bản gồm các quyết định, tờ trình, báo cáo và các công văn về hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, phổ biến và triển khai các nội dung có liên quan đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Thành phố.

Để triển khai thực hiện tốt các Kế hoạch giải quyết việc làm hàng năm theo chỉ đạo của UBND TP, Sở LĐTB&XH đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền được bám sát các Kế hoạch giải quyết việc làm của Thành phố.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Một số kết quả cụ thể, thời gian qua Sở LĐTB&XH đã nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm nhằm hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Từ năm 2020, hoạt động giao dịch việc làm đã được tổ chức theo hướng Sàn trung tâm, Sàn vệ tinh và Điểm vệ tinh. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức đồng bộ trên toàn hệ thống, quy mô tổ chức tại các phiên giao dịch việc làm được mở rộng trên phạm vi toàn Thành phố, chất lượng phiên giao dịch việc làm được nâng cao.

Hằng năm, thông qua hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội đã có từ 20-30 nghìn người lao động được tuyển dụng trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm với sự tham gia tuyển dụng của 4-6 nghìn doanh nghiệp và cung cấp thông tin thị trường lao động cho hàng trăm nghìn lượt người lao động, doanh nghiệp.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, từ năm 2020 đến nay, nguồn vốn cho vay từ ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần thu hút, tạo việc làm cho gần 184.937 lao động, góp phần hoàn thành 30% so với mục tiêu kế hoạch giải quyết việc làm cho 638.000 lao động của Thành phố giai đoạn 2020-2023.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Về kết quả hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động, từ năm 2020 đến hết tháng 9/2023 tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại chi nhánh Ngân hàng Ngân hàng Chính sách xã hội là 10.440 tỷ đồng, tăng 6.750 tỷ đồng so với năm 2019; thu hút, tạo việc làm cho 309.090 người lao động.

Nguồn vốn cho vay đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi tín dụng đen - nhất là ở khu vực nông thôn. Từ đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Vốn tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn Hà Nội, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình 04/CTr-TU và Chương trình 08/CTr-TU của Thành ủy.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Tuy nhiên, Sở LĐTB&XH cũng nêu một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện các quy định về giải quyết việc làm cho người lao động như: Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm mặc dù đã được Thành phố quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn (như năm 2023 (tính đến 30/9/2023 mới bố trí được 110 tỷ đồng/chỉ tiêu 900 tỷ đồng). Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các Sàn, Điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật.

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã quan tâm, trao đổi về một số nội dung: Hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, sau khi tìm được việc làm thì lao động có gắn bó, ổn định hay không?; Thời gian tới có tính định hướng thu phí các phiên giao dịch việc làm khi thực hiện tự chủ?; tỷ lệ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; Vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thanh niên, học sinh, sinh viên; cần quan tâm đến giải quyết việc làm cho lao động nữ...

Thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến tại buổi làm việc
Thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hoá-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình ghi nhận những kết quả tích cực, nổi bật của Sở LĐTB&XH trong thực hiện chính sách về giải quyết việc làm cho người lao động; tham mưu các chính sách hỗ trợ người lao động-nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; tỷ lệ người lao động được giải quyết việc làm tăng qua các năm...

Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Sở LĐTB&XH tiếp tục quan tâm đến chất lượng các sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho người lao động gắn bó, ổn định công việc. Tham mưu, phối hợp làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp. Quan tâm cập nhật, đổi mới cách thức đào tạo nghề ngắn hạn để nâng cao chất lượng, tạo sức hút với lĩnh vực đào tạo nghề. Thực hiện chính sách hỗ trợ vốn đào tạo nghề, quan tâm đào tạo nghề cho những người yếu thế như người sau khi chấp hành án phạt tù, người ở vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số...

Trưởng Ban Văn hoá-Xã hội cũng đề nghị Sở LĐTB&XH tập trung tham mưu, đề xuất với TP những cơ chế chính sách đặc thù để lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, chú trọng tới công tác tuyên truyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân; quan tâm tuyên truyền về công tác hướng nghiệp.