Trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ
Tìm về nông trại của gia đình anh Trương Quốc Việt (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa) những ngày này, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là một vùng đất được bao phủ bạt ngàn màu xanh với hàng nghìn gốc cam, bưởi và chanh xen lẫn những cành cây trĩu quả, vàng ươm, mọng nước đang vào vụ thu hoạch.
Theo chân ra vườn cây, anh Việt cho biết, đất trồng cây ăn quả của anh có diện tích hơn 14ha, trong đó có 6ha cam và 7ha bưởi. Với mục đích cao nhất là để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, bảo đảm sức khoẻ, anh đã dành nhiều thời gian học hỏi, tìm hiểu và thực hiện mô hình trồng cam, bưởi theo hướng hữu cơ.
Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp, quá trình trồng và chăm sóc cây cam theo hướng hữu cơ của anh khá thuận lợi. Từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch, vườn cam chỉ bón phân hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Tôi mua phân chuồng của các hộ chăn nuôi trâu bò đưa về ủ, xử lý nấm, sau đó để hoại mục rồi bón cho cây. Đồng thời, sử dụng tỏi, ớt cay, gừng ngâm với rượu đủ độ nồng phun lên cây để chống côn trùng. Ngoài ra, tôi còn dùng bẫy để bắt côn trùng và bướm” - anh Trương Quốc Việt cho hay.
Bên cạnh việc sản xuất theo hướng hữu cơ, gia đình anh còn kết hợp dùng bao để bọc quả. Với cách làm này sẽ tránh được tình trạng bị ruồi chích, mưa axit… dẫn đến rụng quả.
Qua ba năm chăm sóc, vườn cây của gia đình anh phát triển xanh tốt, giữa năm 2021 đã cho lứa quả đầu tiên với hơn 10 tấn cam và khoảng 1000 quả bưởi. Quả mọng nước, thơm và có vị ngọt thanh. Khi cam vào vụ thu hoạch, anh thuê người cắt trái hàng ngày, đóng thùng và chào hàng với cái tên “cam, bưởi Kim Lũ”.
Lý giải về việc đặt tên thương hiệu anh Việt cho biết, vùng quê nghèo của anh mang cái tên thôn Kim Lũ (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa) nên anh đã dùng tên này để đặt cho sản phẩm của mình với mong muốn khẳng định vị thế, định danh thương hiệu nông sản của quê hương. Đúng như những gì anh mong đợi, chỉ sau vài lứa thu hoạch, cái tên “cam, bưởi Kim Lũ” được người tiêu dùng đón nhận, muốn một lần được thưởng thức, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng sản phẩm của gia đình anh vẫn không đủ cung ứng ra thị trường.
Năm 2022, bưởi theo hướng hữu cơ của gia đình anh Việt được đưa ra thị trường với giá bán 30.000đ/quả. Với chất lượng sạch, an toàn, hương vị thanh, ngọt được người tiêu dùng rất ưa chuộng. “Năm nay, gia đình đã xuất bán trên 9.000 quả bưởi. Quả có vị ngọt, màu vàng đẹp, mẫu mã ưa nhìn hơn so với bưởi bán trên thị trường, do đó dù giá thành của vườn cao hơn bưởi đại trà khoảng 10.000đ/quả nhưng vẫn được người mua ủng hộ” - anh Trương Quốc Việt hồ hởi nói.
Nâng tầm thương hiệu
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn là đòi hỏi cấp thiết, buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thậm chí nông dân phải chuyển động để thích nghi. Tại Quảng Bình, dù chỉ mới triển khai, nhưng chuyển đổi số trong lĩnh vực quan trọng này đang dần cho thấy nhiều tiềm năng, lợi thế nếu thực sự biết cách khai thác hiệu quả.
Vụ cam, bưởi năm nay, anh Việt phấn khởi hơn khi sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR nhờ đó người tiêu dùng tin tưởng và ngày càng có nhiều thương lái tìm đến mua, giá cũng cao hơn so với giá bán trên thị trường.
Được biết, ngay khi lứa bưởi đầu tiên của gia đình anh Việt đưa ra thị trường có dán tem truy xuất nguồn gốc, lượt tiếp cận đã đạt 3.515 người cùng hàng trăm lượt tương tác, điều đó cho thấy người tiêu dùng rất quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Năm nay, nhờ thời tiết thuận nên tỷ lệ quả đồng đều, năng suất cao, vàng đẹp, ít bị rám nắng hay ong châm....
Thâm canh bưởi theo hướng hữu cơ cây ít rụng quả hơn so với các vườn bưởi thông thường, hiện vườn đã xuất trên 9.000 quả trong vụ bưởi 2022. Thị trường người tiêu dùng chủ yếu là người dân địa phương và một số khách hàng ngoài tỉnh thông qua mạng xã hội như zalo, facebook và các cửa hàng bán nông sản sạch trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình Trần Thanh Hải cho biết, trước đây, sản xuất nông nghiệp theo hướng truyền thống thì người tiêu dùng hầu như không biết thông tin về quy trình sản xuất, nguồn gốc nông sản. Từ khi áp dụng chuyển đổi số, thông qua mã QRcode, cả quá trình chăm sóc nông sản từ khi ra bông đến khi kết trái, cho tới thời điểm thu hoạch đều hiển hiện trước mắt đã tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, từ đó giá trị nông sản và thương hiệu cũng được nâng cao.
“Quá trình chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lâu nay, người dân vẫn sản xuất theo truyền thống và thiếu kỹ năng trong việc sử dụng công nghệ thông tin nên quy trình chuyển đổi số vẫn chưa thực sự được phổ biến. Vì thế, hàng năm, chúng tôi căn cứ đề án chuyển đổi số của ngành để tham mưu nội dung tập huấn tuyên truyền. Đồng thời làm các mô hình thí điểm ở địa phương trong toàn tỉnh để phát huy hiệu quả ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ” - ông Trần Thanh Hải nói.
Quá trình đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã được minh chứng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giúp người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm nông sản sạch. Tuy nhiên, để khẳng định vị thế, thương hiệu cần ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông sản sạch ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.