Được biết, vụ mùa khai thác con ruốc ven bờ thường được ngư dân thực hiện từ tháng 6 - 9 (âm lịch) hàng năm. Thế nhưng, liên tục những ngày qua, luồng ruốc biển xuất hiện ven bờ dày đặc, nắm bắt cơ hội hiếm có, bà con ngư dân đã đổ xô ra đánh bắt.
Ngư dân Trịnh Văn Khánh (trú xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) cho biết, khi con ruốc bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn ở sát bờ thì vùng nước đó có màu sắc khác với bình thường. Nắm bắt đặc điểm màu nước biển, ngư dân rủ nhau đi khai thác con ruốc từ sáng sớm.
Để đánh bắt con ruốc, ngư dân sử dụng một tấm lưới mỏng kẹp vào khung sắt nối với cán bằng gỗ dài chừng 1,5m. Khi ra biển, ngư dân thường đi “thụt lùi” kéo theo “bẫy” là con mồi tự khắc lọt vào lưới. Khi trong vợt thu được lượng ruốc nhất định thì đổ vào can hoặc xô nhựa đã chuẩn bị sẵn, cứ thế ngư dân lại tiếp tục công việc.
Năm nay ruốc trái vụ nên con to và giá thành vượt trội, ngư dân có thể kiếm về tiền triệu sau nhiều giờ đằm mình “đi thụt lùi” trong nước biển.
Ngư dân Đặng Văn Sang (57 tuổi, trú xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) cho biết, thường con ruốc biển ít khi xuất hiện trái vụ, nếu có thì số lượng cũng không đáng kể, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, ruốc biển xuất hiện dày đặc ở vùng biển ven bờ.
Ngư dân Đặng Quang Việt ( trú xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) cho biết, những ngày này, trung bình mỗi người dân đánh bắt được từ 40 - 50kg con ruốc, nhiều người may mắn gặp đúng luồng ruốc, có thể bắt được từ 200 - 300kg, thu về tiền triệu.
Theo tìm hiểu, thời điểm này, ruốc tươi có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, nếu phơi khô, ruốc được bán với giá 150.000 - 200.000 đồng/kg. Để có ruốc khô, người dân phải dùng 5 kg ruốc tươi, sau khi phơi chừng 1 - 2 nắng sẽ được 1kg ruốc khô.
Con ruốc biển (có nơi ngư dân gọi là khuyết biển), ngoài việc dùng làm thực phẩm tươi sống, còn được chế biến thành nhiều dạng như làm ruốc, muối mắm, phơi khô hay kết hợp với những món ăn khác rất ngon, mang đặc trưng của người dân vùng biển bãi ngang.