Quảng Bình: Những “mẹ hiền” của trẻ em khuyết tật

Bùi Biền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cô giáo như “mẹ hiền” của những học trò bình thường đã vất vả, đào tạo cho trẻ khiếm khuyết lại còn khó khăn hơn nhiều. Thế nhưng với lòng yêu nghề, yêu trẻ, các thầy, cô giáo vẫn kiên trì, cần mẫn gieo mầm tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn cho những em không may.

Gắn bó với Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) hơn 13 năm công tác, thầy giáo Hà Văn Minh, Chủ nhiệm lớp 3 khiếm thính cho biết, hầu hết các học sinh khiếm thính tại trường đều có biến chứng nặng, không nghe được. Quá trình giảng dạy, một số từ ngữ, ký hiệu bản thân vẫn chưa nắm bắt được nên rất khó để trao đổi, truyền đạt cho các em.

Hạnh phúc giáo viên là được nhìn thấy các em biết đọc, biết viết và hoà nhập với cộng đồng (Ảnh: PV)
Hạnh phúc giáo viên là được nhìn thấy các em biết đọc, biết viết và hoà nhập với cộng đồng (Ảnh: PV)

“Với mong muốn được giúp các em biết chữ mà tôi phải cố gắng nhiều hơn từ việc trau dồi, tích luỹ vốn từ ngữ từ các đồng nghiệp đi trước, tham gia nhiều lớp tập huấn để bổ sung kiến thức và kỹ năng dạy. Mỗi khi thấy các em có những tiến triển tốt, tôi thấy hạnh phúc vô cùng”, thầy Hà Văn Minh chia sẻ.

Cùng như thầy Hà Văn Minh, cô Đinh Thị Bích Thảo cũng đã có 5 năm giảng dạy trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Trí Tâm (TP Đồng Hới). Theo cô Thảo, hầu hết giáo viên đều đã có gia đình riêng, có con nhỏ và từng cảm nhận niềm hạnh phúc tưởng rất bình thường khi thấy con mình biết đi, biết nói. Nhưng khi vào cuộc chăm sóc trẻ khuyết tật, mỗi khi có em nào đó dần hòa nhập cộng đồng, niềm vui còn lớn hơn...

"Với trẻ khuyết tật, dù được chăm sóc toàn diện đến mấy thì vẫn luôn là một "ẩn số". Vì vậy, khi các em biết giao tiếp, biết đi vững, biết phân biệt quả cam, quả táo... giáo viên cảm nhận được niềm vui to lớn. Sự tiến bộ của trẻ hằng ngày là động lực để các thầy, cô trong Trung tâm nỗ lực hơn nữa để dành những gì tốt nhất cho các con", cô Thảo chia sẻ.

Giờ học của của các em tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch.
Giờ học của của các em tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch.

Cô giáo Dương Thị Hằng - Giám đốc Trung tâm giáo dục khuyết tật Quảng Trạch cho biết, năm học 2023 – 2024, trường có hơn 80 em học sinh, được chia vào 13 lớp học. Trong đó, có 11 lớp theo khối học chương trình văn hoá và 2 lớp theo khối học chuyên biệt. Vì là ngôi trường đặc biệt nên phương pháp giảng dạy tại Trung tâm cũng hết sức đặc biệt. Để giúp các em học tập, rèn luyện, giáo viên ở đây đã tổ chức các nhóm lớp học chuyên biệt gồm: nhóm can thiệp cá nhân dành cho học sinh tự kỷ, rối loạn hành vi; phục hồi chức năng cho học sinh khuyết tật về vận động.

Chia sẻ về nghề, cô Dương Thị Hằng bộc bạch, các em học sinh của trung tâm không chỉ khiếm khuyết về hình thể, mà còn chậm phát triển, khiếm thị, khiếm thính nên rất khó để tiếp thu, nghe lời giáo viên. Để dạy dỗ các em, đòi hỏi những người thầy, người cô phải có tấm lòng nhân ái, sự kiên trì, nhẫn nại và nỗ lực, cố gắng gấp nhiều lần so với những ngôi trường khác.

Các thầy, cô giáo tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch.
Các thầy, cô giáo tại Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch.

“Đa số các em khi đến trung tâm chưa được can thiệp sớm, nên dù ở lứa tuổi nào khi đến lớp các em vẫn rất ngây ngô, kĩ năng học tập cũng như giao tiếp hạn chế. Hành vi của các em bất thường, thình lình nên giáo viên, nhân viên khó quản lý hành vi của các em cũng như mất rất nhiều thời gian để thay đổi hành vi không mong muốn”, cô Hằng bộc bạch.

Với người thầy, cô giáo giảng dạy tại các Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, việc được trực tiếp dạy học, giáo dục, chăm sóc các em, ai nấy đều cảm thấy vui vì bản thân mình đã làm được những việc có giá trị hết sức ý nghĩa. Và hơn hết, hạnh phúc giản dị là khi được nhìn thấy các em biết đọc, biết viết, dần hoà nhập với cộng động, tự tin và có ước mơ về một tương lai tươi sáng.