Ngày 11/5, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại và đầu tư doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức hội nghị “Sáng tạo, chuyển đổi để bứt phá” với sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia và đại diện các sở, ngành. Đây là sự kiện nằm trong cuộc thi và chuỗi chương trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 4 năm 2022.
Các đại biểu dự hội nghị tập trung trao đổi, tìm hiểu, áp dụng giải pháp công nghệ thuộc các ngành nghề: Điện tử - tin học, cơ khí chế tạo, các sản phẩm hỗ trợ phát triển cho ngành sản xuất, chế biến, phân phối nông, lâm, thủy sản công nghệ cao trong tỉnh và khu vực miền Trung.
Về giải pháp chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp SME (doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ), ông Nguyễn Văn Thiết - Phó Giám đốc Dịch vụ số Viettel Quảng Ngãi bày tỏ: “Đơn vị sẵn sàng đồng hành cùng Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi số như: Đồng hành, trực tiếp nắm nắt năng lực để đóng gói sản phẩm; xây dựng chính sách trải nghiệm miễn phí hoặc giá rẻ giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có cơ hội tiếp cận dịch vụ; đồng hành, bắt tay cùng doanh nghiệp/hộ kinh doanh giải pháp nâng cao hiệu quả bán hàng”.
Theo bà Trương Thị Ny - Ủy viên Đặc biệt và Đại diện của Hội đồng Phát triển kinh tế châu Âu (EEDC), chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn và cải thiện mức sống của nông dân Việt Nam đang đòi hỏi phải có sự đầu tư tương xứng nguồn vốn và công nghệ vào việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp để phát triển nông nghiệp bền vững.
“Trong nền kinh tế thị trường và tốc độ hội nhập cao của nền kinh tế Việt Nam, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và có chiến lược thị trường tốt. Để thực hiện yêu cầu này, trong nông nghiệp cần thực hiện liên kết thành các chuỗi sản xuất cho từng sản phẩm nông nghiệp và cho từng nhóm sản phẩm đồng bộ từ sản xuất đến tiêu dùng. Cần áp dụng các biện pháp khác nhau để hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp”, bà Ny nêu quan điểm.
“Thực tế hiện nay, chuyển đổi số và áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Tôi đến với hội nghị này nhằm tìm kiếm giải pháp hợp lý để phát triển mô hình của mình”, anh Lê Giang Phong - Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận chia sẻ.
Tại hội nghị đã diễn ra ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, chuyên gia, đơn vị cung cấp giải pháp.
Theo ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, hiện ngành nông nghiệp nói chung và Quảng Ngãi nói riêng còn nhiều khó khăn bất cập, tiêu biểu là sản xuất tiềm ẩn rủi ro lớn do hậu quả biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi diễn biến phức tạp; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp bấp bênh; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn nhiều bất cập; sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP còn rất hạn chế.
“Trong thời gian tới, Quảng Ngãi định hướng phát triển sản xuất rau, củ, quả an toàn gắn với nhu cầu thị trường, các cơ sở chế biến; phù hợp với lợi thế của từng vùng về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị, chế biến, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”, ông Trung chia sẻ.
Trong khuôn khổ chương trình, chiều cùng ngày, các đại biểu tiến hành khảo sát thực tế những dự án, mô hình sản xuất, chế biến, phân phối nông, lâm, thủy sản công nghệ cao tiêu biểu đang có nhu cầu trong việc chuyển đổi thành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Quảng Ngãi.