Quảng Ngãi khai thác “mỏ vàng” du lịch nông thôn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Khi du lịch nông thôn ngày càng được ưa chuộng, những làng quê cổ xưa, bình yên trở thành điểm đến được đông đảo du khách lựa chọn thì Quảng Ngãi cũng đang sở hữu nhiều “mỏ vàng” khổng lồ nếu được khai thác hiệu quả.

Nguồn tài nguyên lớn

Gần đây, điểm du lịch Bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang trở thành nơi “hút” nhiều du khách bởi phong cảnh bình yên nơi đầm ngập mặn và nét đẹp độc đáo của rừng cóc trắng cùng nhiều trải nghiệm thú vị.

Du khách tham quan rừng ngập mặn ở Bàu Cá Cái.
Du khách tham quan rừng ngập mặn ở Bàu Cá Cái.

Nơi này cũng đã hình thành Tổ du lịch cộng đồng bàu Cá Cái với 21 thành viên. Bà con tích cực tham gia đóng góp xây dựng công trình cơ bản, cùng nhau trồng hoa, trồng cây xanh, trang trí các tiểu cảnh, chủ động quảng bá hình ảnh, kết nối tour du lịch, tổ chức nấu ăn, chèo ghe,… Từ Tết Nguyên đán 2024 đến nay, Bàu Cá Cái đón khoảng 10 nghìn lượt du khách.

“Du khách đến đây rất thích không khí mát mẻ, xanh trong lành, vừa ngồi ghe vừa thả lưới bắt cá. Người dân thôn quê cũng phấn khởi vì có thêm thu nhập. Mỗi ngày, tôi chèo ghe được 1-2 chuyến, những ngày Tết, nghỉ lễ thì 6-7 chuyến. Mỗi chuyến đi khoảng 1 tiếng, có đoàn khách đi chụp ảnh nhiều thì lâu hơn”- chị Phùng Thị Bưởi (thôn Thuận Phước) hào hứng chia sẻ.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Quảng Ngãi, những năm qua, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những thành quả đáng khích lệ, thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân địa phương và nhận được hưởng ứng tích cực của toàn xã hội

Du khách nước ngoài đến trải nghiệm ở làng Gò Cỏ.
Du khách nước ngoài đến trải nghiệm ở làng Gò Cỏ.

Đến Quảng Ngãi, ngoài những bãi biển cát trắng trải dài, du khách còn được tận hưởng hương vị trái cây miệt vườn ở Bình Thành (huyện Nghĩa Hành); ghé Gò Cỏ (thị xã Đức Phổ) nghe điệu bài chòi; trải nghiệm đánh bắt hải sản, lặn biển ở Lý Sơn...

Cần quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để bảo vệ môi trường thiên nhiên

Tuy nhiên, theo các đơn vị kinh doanh du lịch, so với các tỉnh, thành lân cận, loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn ở Quảng Ngãi vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, sản phẩm du lịch vẫn mang tính tự phát, vẫn còn tư duy “phát triển nóng” mà chưa chú trọng đến sự bền vững.

Bên cạnh đó, chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp du lịch với người dân địa phương. Công tác quảng bá, xúc tiến còn yếu, chưa đủ sức cạnh tranh với các nơi khác.

Do đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm từ đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông đến hỗ trợ về đào tạo, phát triển dịch vụ, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho phát triển du lịch cộng đồng.

Lồng ghép phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn..

Cần có hướng dẫn và có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để bảo vệ môi trường thiên nhiên. Việc phát triển du lịch cộng đồng không nên làm ồ ạt theo phong trào mà cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là về công tác tìm hiểu thị trường, quảng bá, điều kiện phục vụ khách…

Gò Cỏ là ngôi làng không chỉ có di sản, mà văn hóa làng vẫn còn giữ vẹn nguyên.
Gò Cỏ là ngôi làng không chỉ có di sản, mà văn hóa làng vẫn còn giữ vẹn nguyên.

Theo đại diện của Chi nhánh Cocotravel Quảng Ngãi, để du lịch cộng đồng và du lịch nông thôn phát triển bền vững và mang lại lợi ích thật sự cho người dân, điều quan trọng là phải giữ lại nét mộc mạc, cái riêng, cái độc đáo của nông thôn ở từng điểm đến mà nơi khác không có được.

“Khi xây dựng cải tạo hạ tầng, hạn chế bê tông và sắt thép, mà tìm giải pháp phù hợp gắn với bản sắc của thôn, của làng. Không cần đầu tư quá nhiều tiền để mở rộng đường, cầu mà chú ý phát triển hạ tầng “mềm” tạo sự thoải mái và tiện nghi cho du khách như chỗ nghỉ chân, nơi ngắm cảnh, nhà vệ sinh công cộng...”- đại diện Chi nhánh Cocotravel Quảng Ngãi chia sẻ.

Để khai thác hiệu quả “mỏ vàng” du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, mới đây, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Tổ công tác phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nhằm tập trung khai thác, phát huy thế mạnh của loại hình du lịch này và kịp thời hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bên cạnh đó, bám sát các Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng nghề du lịch cần thiết cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để phục vụ khách, nhằm chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang dịch vụ như nấu ăn, giao tiếp, hướng dẫn viên...

Đặc biệt, năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc để thu hút du khách. Riêng trong tháng 4, 5 có Tuần lễ văn hóa, thể thao, du lịch; hội thảo phát triển du lịch các vịnh, đảo đẹp nhất châu Á tại huyện Lý Sơn; giải đua thuyền buồm quốc tế và ván chèo đứng tại biển Mỹ Khê; giải vô địch dù lượn quốc tế và lễ hội khinh khí cầu "Bay lên Lý Sơn" tại Lý Sơn...

Giải vô địch dù lượn quốc tế sẽ được tổ chức ở Lý Sơn.
Giải vô địch dù lượn quốc tế sẽ được tổ chức ở Lý Sơn.

"Đây là cơ hội để quảng bá sâu rộng lịch sử, văn hóa, con người cũng như tiềm năng du lịch, nhằm đưa hình ảnh Quảng Ngãi đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới"- Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho hay.