Quảng Ngãi: Sen chết hàng loạt, người trồng trắng tay

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng chục hecta sen tại huyện Nghĩa Hành bị chết, mất trắng nhưng chưa rõ nguyên nhân khiến người trồng thất bát nặng nề.

Hơn 10 năm trồng sen, chưa bao giờ ông Phan Diễn (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) gặp phải tình trạng sen chết hàng loạt như năm nay.

Hồ sen của ông Diễn đã chết gần hết, chỉ còn vài cây.
Hồ sen của ông Diễn đã chết gần hết, chỉ còn vài cây.

“Đầu tư vào 7 sào đầm trũng để trồng sen, tiền giống mỗi sào mất khoảng 3 triệu đồng. Được 1 tháng thì cây lên lá, sau đó lá úa, thân rũ, gương sen đen rồi cây chết luôn”, ông Diễn buồn rầu.

Không chỉ riêng ông Diễn, nhiều hộ dân trồng sen ở xã Hành Thịnh cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. Đang chính vụ, nhưng cánh đồng La Băng - đầm sen lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi chỉ còn lác đác vài cây sót lại. Chúng cũng đang héo úa, chết dần.

Đầm sen chỉ còn vài cây.
Đầm sen chỉ còn vài cây.

Theo người dân khu vực này, trước năm 2000, đồng La Băng là ruộng lúa trũng nước. Từ năm 2000, một số hộ bắt đầu trồng sen, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế.

Bình quân hằng năm, mỗi sào có thể thu 1,5 tạ hạt sen, giá bán 35.000 - 40.000 đồng/kg, có năm đến 60.000 đồng/kg, nếu chế biến hạt sen nhân thì giá 120.000 - 130.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi hecta trồng sen cho thu nhập gần 100 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Những năm gần đây, đầm sen La Băng còn được xem là “hình mẫu” của việc chuyển đổi từ đất trồng lúa chiêm trũng kém hiệu quả sang trồng sen lấy hạt. Tuy nhiên, riêng năm nay, các hộ trồng sen mất trắng, lỗ luôn tiền giống.

Các năm trước, đầm sen La Băng được xem là hình mẫu của việc chuyển đổi từ đất trồng lúa chiêm trũng kém hiệu quả sang trồng sen lấy hạt.
Các năm trước, đầm sen La Băng được xem là hình mẫu của việc chuyển đổi từ đất trồng lúa chiêm trũng kém hiệu quả sang trồng sen lấy hạt.

Theo ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Thịnh, tại địa bàn xã có khoảng 27ha trồng sen bị chết không rõ nguyên nhân.

“Toàn bộ diện tích trồng sen bị chết. Sen chết có dấu hiệu bủn gốc, úa dần, bát sen đen, sen vừa lên khỏi mặt nước thì chết. Địa phương đã có tờ trình và cơ quan chức năng xuống lấy mẫu nước, mẫu bùn… nhưng vẫn chưa có kết quả” - ông Nguyễn Văn Long nói.

Bát sen chuyển sang đen 
Bát sen chuyển sang đen 

Theo ông Lê Văn Chính - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hành, tình trạng sen chết hàng loạt không chỉ diễn ra ở xã Hành Thịnh mà còn xuất hiện ở một số địa phương khác của huyện.

“Toàn huyện có 42 hecta trồng sen tại các xã Hành Thịnh, Hành Đức, Hành Trung, Hành Phước. Ngành chức năng huyện cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, trường Đại học Nông lâm Huế kiểm tra ở một số vùng để tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng sen chết. Nhận định ban đầu có thể là do nguồn giống và cách xử lý ban đầu. Vùng xảy ra hiện tượng sen chết đã trồng qua nhiều năm, cần phải tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước để có kết quả chính xác” - ông Lê Văn Chính nói

Được biết, thời gian qua, các hộ dân trồng sen ở Nghĩa Hành đều là tự phát. Để nâng cao giá trị cây sen, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho huyện đăng ký đề tài “Phát triển chuỗi giá trị cây sen trên địa bàn huyện Nghĩa Hành", dự kiến triển khai thực hiện vào năm 2023.

Mục tiêu nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sự ổn định, giúp các nhóm hộ, tổ hợp tác yên tâm sản xuất lâu dài. Trong đó, tập trung giải quyết vấn đề như: Tổ chức lại sản xuất, thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, quy hoạch lại vùng trồng sen, hỗ trợ người trồng về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần