Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Thanh niên miền núi khởi nghiệp với sản phẩm địa phương

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều sản phẩm đặc thù địa phương, là lợi thế có thể tận dụng để khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp thành công.

Tìm đầu ra ổn định cho chè xanh truyền thống

Đầu năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến (thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) chính thức đi vào hoạt động. Đây là HTX của các hộ gia đình người H're, với 17 thành viên; trong đó, nòng cốt là những người trẻ có tuổi đời từ 25 - 33.

“Cùng là chè xanh trồng tại Long Hiệp, nhưng giá bán tại mỗi thôn lại khác nhau, có khi chênh lệch từ 1.000 - 2.000 đồng/bó. Nguyên nhân là do việc tiêu thụ chè thực hiện nhỏ lẻ tại hộ gia đình, rồi bán qua thương lái, nên không chủ động được giá cả. Chính điều này đã thôi thúc chúng tôi mày mò tìm hiểu cách thức thành lập, vận hành HTX, để chủ động được đầu ra lẫn giá chè xanh cho các thành viên hợp tác xã và người dân địa phương”, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến Đinh Văn Khinh cho biết.

HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến đã trở thành “cầu nối” giúp người dân Hà Bôi tiêu thụ chè xanh.
HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến đã trở thành “cầu nối” giúp người dân Hà Bôi tiêu thụ chè xanh.

Dù chỉ mới đi vào hoạt động hơn một năm, nhưng HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến đã trở thành “cầu nối” giúp người dân Hà Bôi tiêu thụ sản phẩm chè xanh truyền thống ổn định và nâng cao thu nhập khoảng 20% so với trước đây.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX thu mua, tiêu thụ từ 3 - 5 tấn chè xanh thương phẩm. Đặc biệt là, sau khi tham gia vào HTX, nhiều thành viên đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng chè xanh.

“Trước đây, khi bán nhỏ lẻ tại nhà cho thương lái giá là 5.000 đồng/bó, còn bây giờ thông qua HTX, giá ở mức 6.000 - 7.000 đồng/bó. Sản lượng chè tiêu thụ hằng tháng thông qua HTX cũng tăng cao. Thấy được lợi ích từ HTX mang lại, tôi tham gia vào HTX, mở rộng thêm diện tích trồng chè xanh”, ông Đinh Gôm (72 tuổi, thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp) chia sẻ.

Hiện tại, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở sơ chế chè xanh tập trung để từng bước nâng tầm sản phẩm. Đồng thời, các thành viên HTX đang phát triển thêm lĩnh vực chăn nuôi heo bản địa, nhằm đa dạng sản phẩm của HTX, từng bước mở rộng thị trường.

Đồng hành cùng người trẻ khởi nghiệp

Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có 57 HTX. Trong đó, có 46 HTX đang hoạt động với gần 1.000 thành viên (người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70%). Các HTX đã góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan tỏa sản phẩm đến với thị trường trong, ngoài tỉnh.

Sản phẩm hạt macca của huyện miền núi Sơn Tây.
Sản phẩm hạt macca của huyện miền núi Sơn Tây.

Đáng chú ý, trong số các HTX này, không ít là mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, có tuổi đời còn tương đối trẻ. Để đưa sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi đến gần hơn với người tiêu dùng, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã đồng hành và tìm cách kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong đó, tiêu biểu là tổ chức phiên chợ “Thanh niên kết nối nông sản vùng cao”. Mới đây nhất, phiên chợ tổ chức vào cuối tháng 7/2023 đã thu hút hơn 900 sản phẩm độc đáo đến từ 5 huyện miền núi và các Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo đổi mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Một gian hàng trong phiên chợ “Thanh niên kết nối nông sản vùng cao”.
Một gian hàng trong phiên chợ “Thanh niên kết nối nông sản vùng cao”.

Nhiều sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào DTTS và miền núi được các HTX xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP như: ớt xiêm, ổi, gạo lúa rẫy, măng nứa, chuối hột rừng sấy khô, mít, nấm linh chi, hạt mắc ca…

Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết, phiên chợ là cơ hội, không chỉ riêng đối với sản phẩm của huyện Sơn Tây mà tất cả các sản phẩm đặc trưng của đồng bào trong tỉnh đều được giới thiệu đến người dân và du khách.

Hiện tại, sau hơn 3 năm thành lập, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên hình thành và phát triển được nhiều nhóm hộ sản xuất, gắn với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi như ổi, bưởi, heo ky, bò... Trong đó, nổi bật là nhóm liên kết trồng ổi đã phát triển được 4ha ổi và hiện đã cho thu hoạch bình quân 4 tấn/tháng.

Ổi là một trong những sản phẩm chủ lực của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên.
Ổi là một trong những sản phẩm chủ lực của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên.

Sản phẩm này đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap và truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch và mã QR. Điều quan trọng nhất mô hình này mang lại thu nhập bình quân cho các thành viên của nhóm trồng ổi hơn 5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập ổn định đối với người dân vùng cao.

“Trên địa bàn huyện Sơn Tây cũng như các vùng khác trong tỉnh đang có rất nhiều các sản phẩm nông sản có chất lượng cao, do đó tôi mong có thêm nhiều phiên chợ như thế này để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, tăng sản lượng tiêu thụ, giúp đồng bào phát triển kinh tế, thoát nghèo”, chị Trầm chia sẻ.

Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi Hồ Thị Thu Thanh, phiên chợ được tổ chức nhằm kết nối, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm địa phương của vùng miền núi Quảng Ngãi; đồng thời tạo môi trường giao lưu quảng bá các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh.

“Đây là phiên chợ thứ 2 được tổ chức, dự kiến trong thời gian đến sẽ tổ chức mỗi tháng 1 phiên để thúc đẩy các sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi ra thị trường, nhằm nâng cao đời sống của bà con vùng đồng bào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi hướng đến tổ chức livestream để đưa sản phẩm ra thị trường lớn hơn”, chị Thanh nói.