Thôn Đông Yên (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nằm êm đềm bên dòng sông Trà Bồng. Ở nơi này, đan thúng chai được xem là nghề truyền thống của cha ông truyền lại. Nghề tuy khó làm giàu, nhưng cũng giúp nhiều hộ gia đình nơi đây đủ ăn, đủ mặc.
“Nghề đan thúng chai công phu, vất vả và đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn bất cứ nghề nào khác vì nó còn góp phần quan trọng trong việc sinh tử của ngư dân khi hành nghề trên biển. Người làm nghề này lúc nào cũng phải đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu, không thể làm ẩu dù bất cứ công đoạn nào” - ông Nguyễn Văn Khôi (49 tuổi) - chủ cơ sở đan thúng chai ở Đông Yên chia sẻ.
Để làm chiếc thúng chai, trước tiên người thợ phải chọn loại tre đặc, không non nhưng cũng không được quá già. Sau khi chọn được thân tre ưng ý, mang về chẻ, vót nan và phơi nắng đủ độ thì đem đan thành mê, đóng cọc làm trụ tạo hình, lận vành.
"Khó nhất trong các công đoạn làm thuyền thúng là khâu lận vành. Nó đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, độ khéo léo và tính cẩn trọng. Tre làm vành phải là loại tre tốt, dây cột vành là dây cước chuyên dụng, có khả năng chịu nước cao" - ông Nguyễn Văn Khôi cho biết.
Thuyền thúng đan xong được mang đi phơi nắng. Sau khi phơi, người thợ dùng phân bò tươi, quấy nhuyễn với nước, đem phết đều lên nan thuyền nhằm làm kín các khe hở, chống thấm nước.
Ở công đoạn sau cùng, thúng được trét bằng dầu rái cả hai mặt trong và ngoài, tiếp tục phơi nắng để tăng độ chống thấm nước và sử dụng được lâu hơn. Dầu rái được mua từ những người chuyên đi khai thác cây chai lấy dầu ở miền núi nên ngư dân còn gọi là thúng chai.
Người trong nghề bảo, đan thúng chai là nghề “bán cột sống” vì suốt ngày ngồi vót nan, đan mê cùng với một tư thế xiêu vẹo, cột sống vì thế cũng biến dạng theo. Ngoài ra, 100% các công đoạn đều làm thủ công bằng tay nên hai bàn tay khi nào cũng chi chít sẹo, sẹo cũ chưa kịp lên da non đã có những vết cứa, vết nứt mới… Đôi tay chẳng khi nào lành lặn.
Hiện, ở Đông Yên có khoảng 20 hộ làm nghề đan thúng chai, với gần 100 lao động có thu nhập từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Thời thịnh vượng, trong làng lúc nào cũng rộn tiếng chẻ tre, vót nan.
“Vào mùa đi biển, đơn hàng nhiều, đàn ông, phụ nữ trung niên lại tập trung về các cơ sở, chong đèn đan thuyền thâu đêm. Làng nghề còn là điểm đến của nhiều đoàn du khách trong nước khi dừng chân tại quê hương của nhà thơ lớn Tế Hanh” - ông Nguyễn Hoàng Phương - Trưởng thôn Đông Yên tự hào.
Ngày nay, với sự phát triển của các vật liệu mới, chiếc thúng chai truyền thống dần được thay thế bằng thúng composite. Dẫu vậy, người dân làng Đông Yên vẫn đang cố gắng giữ nghề, làm nên chiếc thúng tinh xảo và bền chắc, phục vụ ngư dân các địa phương ven biển trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng…