Quảng Trị: Chủ rừng có dấu hiệu thất thoát hàng chục khối gỗ vật chứng

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng chục khối gỗ vật chứng được định giá trên 100 triệu đồng giao lại cho chủ rừng quản lý, bảo vệ nhưng không có phương án xử lý. Đến nay số gỗ vật chứng đã hư hỏng, mục nát và có dấu hiệu thất thoát khỏi hiện trường vụ án.

Gỗ vật chứng thành gỗ mục

Tại khu vực rừng thuộc các lô 8, 12 khoảnh 10, Tiểu khu 681 (địa bàn xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Hướng Hóa - Đakrông được xác định là hiện trường vụ án xảy ra vào năm 2020. Toàn bộ khu vực này cây cối đã dần phủ xanh sau thời gian dài.

Hiện trường vụ phá rừng trên lâm phần BQL RPH Hướng Hóa - Đakrông được xác định có 148 cây gỗ bị cưa hạ với tổng khối lượng trên 66,5m3 gỗ và 10 ster củi.
Hiện trường vụ phá rừng trên lâm phần BQL RPH Hướng Hóa - Đakrông được xác định có 148 cây gỗ bị cưa hạ với tổng khối lượng trên 66,5m3 gỗ và 10 ster củi.

Trở lại hiện trường vụ án thời điểm hiện tại, không quá khó để phóng viên tìm thấy những cây gỗ tròn bị cưa hạ. Thế nhưng, hầu hết chúng bị vứt nằm lăn lóc, rải rác khắp khu vực. Một số cây gỗ bị mục nát, hư hỏng, một số khác đã không còn tại đây. Trong khi đó, nơi đây từng được xác định là hiện trường phá rừng với tang vật hơn 66m3 gỗ.

Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 8/2020, ông Hồ Văn Dõa (SN 1962, trú tại thôn Xa Vi, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông) thuê người dùng máy cưa xăng để cưa hạ cây tại lô 8, lô 12 khoảnh 10, Tiểu khu 681 lâm phần BQL RPH Hướng Hóa - Đakrông để làm rẫy. Ngày 16/8/2020, lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản vi phạm. Quá trình điều tra, ông Hồ Văn Dõa thừa nhận hành vi thuê người phá rừng làm rẫy.

Đến ngày 25/9/2020, Hạt kiểm lâm huyện Đakrông tiến hành khám nghiệm hiện trường và tại bản Kết luận giám định ngày 23/11/2020 của Trung tâm điều tra, quy hoạch, thiết kế nông lâm Quảng Trị kết luận: Diện tích rừng bị xâm hại là 1,3ha, độ tàn che của rừng bị xâm hại là 0,74, chức năng của loại rừng là rừng phòng hộ.

Dù được định giá gần 114 triệu đồng nhưng toàn bộ số gỗ vật chứng đã bị hư hỏng, có dấu hiệu thất thoát khỏi hiện trường vụ án.
Dù được định giá gần 114 triệu đồng nhưng toàn bộ số gỗ vật chứng đã bị hư hỏng, có dấu hiệu thất thoát khỏi hiện trường vụ án.

Đồng thời, tại bản Kết luận định giá tài sản số 02/KL-ĐG ngày 7/1/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng huyện Đakrông số gỗ bị thiệt hại trong vụ án trên là 148 cây gỗ từ nhóm III đến nhóm VIII có tổng khối lượng là 66,525m3, trị giá 112.177.000 đồng và 10 ster củi (tương đương 7m3) trị giá 1,6 triệu đồng. Tổng giá trị thiệt hại là 113.777.000 đồng.

Ông Hồ Văn Dõa đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đakrông khởi tố về tội Hủy hoại rừng theo điểm c, khoản 3 Điều 243 Bộ luật Hình sự. Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 14 của TAND huyện Đakrông năm 2021 tuyên phạt ông Hồ Văn Dõa 3 năm tù giam về tội danh trên.

Liên quan đến vật chứng là 66,525m3 gỗ và 10 ster củi được định giá gần 114 triệu đồng trên, Hội đồng xét xử quyết định giao cho BQL RPH Hướng Hóa - Đakrông quản lý theo quy định của pháp luật.

Chủ rừng nói gì?

Dù được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và có phương án xử lý trên 66,5m3 và 10 ster củi nhưng hiện toàn bộ số gỗ vật chứng được xác định là tài sản của Nhà nước này đã bị hư hỏng, mục nát và có dấu hiệu thất thoát.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Tuấn - Giám đốc BQL RPH Hướng Hóa - Đakrông cho biết, trong bản án có nói số lượng gỗ, củi không thu giữ, để lại tại hiện trường, do địa hình và đường vào khu vực rừng hiểm trở, rồi chi phí vận chuyển thu giữ lớn hơn nhiều lần so với giá trị vật chứng. Thế nên, giao cho Ban quản lý theo quy định của pháp luật.

Về việc hơn 66m3 và 10 ster củi vật chứng vụ án có còn tại hiện trường hay không, ông Nguyễn Công Tuấn thừa nhận không biết. "Tôi chỉ giữ để có tang vật người ta làm vụ án, để hiện trường còn như thế. Giữ là giữ vậy thôi! Chứ lâu ngày gỗ nó mục hết rồi” - ông Tuấn thông tin. Và cho rằng số gỗ tang vật giao cho chủ rừng là không đúng, phải giao cho kiểm lâm. 

Trong khi đó, ông Trần Văn Tý - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với gỗ là vật chứng vụ án được coi là tài sản Nhà nước, và được thống nhất giao cho chủ rừng thì chủ rừng phải có trách nhiệm, phương án quản lý, bảo vệ, xử lý cụ thể. Đối với việc đấu giá hay các phương án xử lý khác, chủ rừng phải có báo cáo lên cấp sở hoặc UBND tỉnh và được cấp trên phê duyệt.

Một thân cây gỗ đường kính xấp xỉ 40cm bị vứt lăn lóc, hư hỏng tại hiện trường dù đây được xác định vừa là vật chứng vừa là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước.
Một thân cây gỗ đường kính xấp xỉ 40cm bị vứt lăn lóc, hư hỏng tại hiện trường dù đây được xác định vừa là vật chứng vừa là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước.

Có thể thấy rằng, hơn 66m3 và 10 ster củi được định giá gần 114 triệu đồng là tài sản Nhà nước giờ đã gần như chỉ còn vài thân cây mục.

Hành vi phá rừng của người vi phạm đã bị xử lý, thế nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cũng cần xem lại trách nhiệm của đơn vị chủ rừng khi hàng chục m3 gỗ bị hư hỏng, mục nát, có dấu hiệu thất thoát khỏi hiện trường vụ án. Điều quan trọng, cần có biện pháp thu hồi số lâm sản vừa là vật chứng vừa là tài sản của Nhà nước đã được định giá nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần