Quảng Trị: Lo ngại bong bóng bất động sản

Khánh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong thời gian ngắn, cơn sốt đất lan nhanh đến hầu hết địa phương của tỉnh Quảng Trị. Người người đổ xô theo nghề môi giới bất động sản (BĐS) khi giá đất từ đô thị đến nông thôn tăng từng ngày.

Người người làm môi giới 

Thời điểm sau Tết Nguyên đán 2022, khi cơn sốt đất ở các khu đô thị trên địa bàn TP Đông Hà hạ nhiệt, thì giá đất ở các khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Trị bắt đầu tăng. Ở đâu cũng có thể nghe người dân bàn tán chuyện giá đất tăng chóng mặt. Hình ảnh những người môi giới BĐS ăn mặc bảnh bao, trên tay luôn cầm sẵn cuốn hợp đồng đặt cọc với hình ông Thần tài giao dịch ngay tại quán cà phê cũng vì thế trở nên quen thuộc ở các vùng quê.

Những người môi giới BĐS len lỏi vào tận các vùng nông thôn để mua đất, đặt cọc.
Những người môi giới BĐS len lỏi vào tận các vùng nông thôn để mua đất, đặt cọc.

Đi bất kỳ đâu cũng nghe những câu chuyện xoay quanh vừa đặt cọc lô này, vừa giao dịch xong lô kia huyên náo. Kèm theo đó là hình ảnh tràn ngập trên mạng xã hội những cuộc giao dịch không rõ thực hư. Kéo theo đó văn phòng công chứng cũng luôn tấp nập. Tại các huyện, văn phòng môi giới BĐS "mọc" lên khắp nơi.

Đặc biệt, đất ở các vùng nông thôn từ đường bê tông đến đường đất cũng được rao bán tràn lan với những lời quảng cáo có cánh. Chỉ trong thời gian ngắn, giá đất cứ thế phi mã lên từng ngày nhưng thực chất mua, bán thực sự địa phương cũng không thể kiểm soát hết.

Dù hàng loạt lô đất cỏ dại mọc đầy và chăn thả gia súc nhưng cũng được các "cò đất" rao bán với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường.
Dù hàng loạt lô đất cỏ dại mọc đầy và chăn thả gia súc nhưng cũng được các "cò đất" rao bán với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Trường - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết: “Giá đất tăng cũng mừng cho bà con nhưng không biết người dân ở đâu đổ xô về đặt cọc, mua bán đất nhiều vậy! Tuy nhiên, địa phương không hề nắm được chính xác việc giao dịch này”.

Theo ông Trường, giá đất bất ngờ tăng đột biến khi dự án tuyến đường kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây đang chuẩn bị được triển khai đi qua địa bàn xã này. Thậm chí, mảnh đất cát trắng, hoang vu lâu nay cũng “thông tin” được mua với giá trên 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/1m ngang.

Người dân dù hoang mang, không biết thực hư nhưng cũng tranh thủ bán những lô đất khi “cò đất” về mua. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, giá đất được “cò” rao bán với giá gấp nhiều lần.

Lô đất nằm khuất trong một ngôi làng của xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh bốn bề cát trắng cũng được rao bán giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế, với lời quảng cáo nằm trong trung tâm khu du lịch.
Lô đất nằm khuất trong một ngôi làng của xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh bốn bề cát trắng cũng được rao bán giá cao gấp nhiều lần giá trị thực tế, với lời quảng cáo nằm trong trung tâm khu du lịch.

Ông N.V.T, người dân xã vĩnh Thái băn khoăn: “Chỉ mới năm ngoái, lô đất nằm trong góc của tôi bán 3-4 triệu/m2 không ai mua. Giờ cũng lô đất đó, họ mua xong rồi rao bán 7,5 triệu đồng/m2. Với giá đó, tôi cũng không biết liệu ai về đây mua để ở không nữa hay cứ giao dịch qua lại với nhau?”.

Không chỉ đất ở vùng ven biển khi dự án đi qua, các khu vực nông thôn thuộc huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng… cũng bất ngờ “sốt” lên từng ngày. Đặc biệt, đất tăng ở những vùng có các dự án đã và chuẩn bị được triển khai như khu dân cư, khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Trước việc thị trường BĐS có dấu hiệu “sốt ảo” trên địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ rõ có các hoạt động đầu cơ, xuất hiện hiện tượng ''thổi giá''. 

Ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, có dấu hiệu nhà đầu tư tổ chức huy động vốn chuyển nhượng chưa đúng quy định của pháp luật, thổi phòng để quảng cáo, rao bán khi chưa đầy đủ các thủ tục, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều đó gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và sự phát triển lành mạnh thị trường BĐS, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, trật tự xã hội trên địa bàn.

Một lô đất được "cò đất" rao bán trên mạng chia thành 4 lô mà "cò" tự vẽ ra.
Một lô đất được "cò đất" rao bán trên mạng chia thành 4 lô mà "cò" tự vẽ ra.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định, giá đất tăng quá cao khiến người dân Quảng Trị ngày càng khó tiếp cận với cơ hội sở hữu đất ở. Bằng muôn hình kiểu “thổi giá”, tâm lý đám đông, “cò đất” làm lũng đoạn giá đất và thu lợi một khoản lớn, trong khi người mua sau có nguy cơ “ôm” lô đất vì không biết bán cho ai sau khi “cơn sốt” đất đi qua. Đây cũng là bài học mà nhiều người đã vấp phải trong những cơn sốt đất điên loạn tại Đà Nẵng, Quảng Nam... thời gian qua.

Lo ngại hơn, việc giá đất tăng cao khiến công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư lớn trong thời gian tới sẽ bị đội lên, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư cũng như tiến độ các dự án.

Chưa kể, tình trạng xé lẻ đất ở nông thôn đang diễn ra âm ỉ ở nhiều địa phương, nhưng việc ngăn chặn vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Trong khi đó, tại những khu dân cư thông qua đấu giá đất tại các huyện, dù hình thành nhiều năm qua nhưng tỷ lệ lấp đầy cũng chỉ là con số nhỏ nhoi.

Phần đất trồng cây lâu năm nằm khuất sâu trong cánh rừng tràm và ruộng lúa được một công ty BĐS "vẽ" ra khu dân cư hoành tráng.
Phần đất trồng cây lâu năm nằm khuất sâu trong cánh rừng tràm và ruộng lúa được một công ty BĐS "vẽ" ra khu dân cư hoành tráng.

Thậm chí, có dấu hiệu hình thành các nhóm, đường dây “cò đất” với đủ chiêu trò nhằm thu lợi, từ “thổi giá”, mua đất vườn, trồng cây lâu năm rồi tách thửa, chuyển đổi mục đích đến phân lô, bán nền ở các vùng nông thôn. Những lô đất được mua lại và sau khi xây dựng vài tuyến đường, cột điện tạm bợ được biến hóa thành các khu dân cư dù người dân địa phương hiểu rõ 10 năm sau chưa chắc có ai đến ở.

Chỉ con đường bê tông mỏng manh, trụ đèn sơ sài đã đủ điều kiện "cơ sở hạ tầng" nhằm phân lô, bán nền.
Chỉ con đường bê tông mỏng manh, trụ đèn sơ sài đã đủ điều kiện "cơ sở hạ tầng" nhằm phân lô, bán nền.

Dù UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa thể hạ nhiệt cơn sốt đất đã và đang diễn ra ở các địa phương.

Để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Công văn số 793 ngày 2/3/2022 gửi các sở, ngành liên quan và tất cả địa phương trên địa bàn về việc đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS, tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường BĐS.

Trong đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu tất cả địa phương, sở ngành liên quan theo dõi, nắm thông tin diễn biến tình hình thị trường BĐS trên địa bàn cũng như tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra.

Đồng thời, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông… gây bất ổn cho thị trường BĐS; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán BĐS vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần