Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc gia Đông Nam Á nào được giới siêu giàu nhắm làm "kho giữ tiền"?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chính sách thuế thân thiện và được coi là ổn định về chính trị, Singapore từ lâu đã trở thành thiên đường của giới siêu giàu nước ngoài.

Giống như nhiều người giàu Trung Quốc khác, chàng sinh viên mới tốt nghiệp Zayn Zhang - nghĩ rằng Singapore có thể là nơi lý tưởng để cất giữ tài sản. 

Anh hy vọng theo học tại một trường đại học ở trung tâm tài chính châu Á sẽ có cơ hội định cư tại đây. Trong khi chàng thanh niên 26 tuổi này cố gắng hoàn tất việc học, vợ anh tìm mua một căn penthouse tầm giá 4-5 triệu USD. 

Singapore có chính sách thuế thân thiện, ổn định về chính trị. Ảnh: Reuters
Singapore có chính sách thuế thân thiện, ổn định về chính trị. Ảnh: Reuters

"Singapore rất tuyệt. Đất nước này ổn định và mang lại nhiều cơ hội đầu tư," Zhang nói với Reuters tại một diễn đàn về kinh doanh và từ thiện vào cuối năm 2022. Gia đình anh dự kiến thành lập một văn phòng gia đình tại Singapore để quản lý tài sản trong tương lai.

Một số người Trung Quốc tham dự diễn đàn cũng cho biết họ vừa chuyển đến Singapore hoặc đang cân nhắc việc đó.

Với chính sách thuế thân thiện và được coi là ổn định về chính trị, Singapore từ lâu đã trở thành thiên đường của giới siêu giàu nước ngoài.

Singapore đón dòng tài sản mới từ năm 2021, sau khi nó trở thành quốc gia châu Á đầu tiên nới lỏng các hạn chế về phòng dịch. Khi đó, nhiều người Trung Quốc đang nếm trải khó khăn do chính sách zero-Covid như Zhang nhìn sang Singapore.

Bùng nổ "văn phòng gia đình"

Số lượng văn phòng gia đình của Singapore - nơi xử lý các khoản đầu tư, thuế, chuyển nhượng tài sản và các vấn đề tài chính khác cho giới siêu giàu - đã tăng từ 400 lên khoảng 700 vào năm 2021.

Các văn phòng gia đình nổi tiếng ở Singapore bao gồm những văn phòng do James Dyson, chủ hãng máy hút bụi nổi tiếng thành lập, hay nhà đầu tư Ray Dalio và Zhang Yong, người sáng lập chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao của Trung Quốc.

Mặc dù không có số liệu thống kê mới nhất, những người trong ngành cho biết số người quan tâm đến văn phòng gia đình đã tăng vào năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Việc Trung Quốc từ bỏ các chính sách zero-COVID có lẽ sẽ không làm xu hướng này thay đổi, do những người giàu của nước này còn lo ngại về nỗ lực làm giảm khoảng cách giàu nghèo.

Theo ông Chung Ting Fai, luật sư hỗ trợ thành lập văn phòng gia đình, vào cuối năm 2022, trung bình mỗi tuần ông nhận được 1 yêu cầu chuyển ít nhất 20 triệu USD vào Singapore. Trong khi vào năm 2021 chỉ có khoảng 1 yêu cầu/tháng , và tháng 1 năm nay là hai yêu cầu mỗi tuần.

Ông cho biết, nhiều bậc cha mẹ đang tìm kiếm nơi định cư cho con cái của họ và ngoài Trung Quốc, các khách hàng tiềm năng còn đến từ Nhật Bản và Malaysia.

Một phần sức hấp dẫn của Singapore đối với người giàu là chương trình nhà đầu tư toàn cầu do chính phủ quản lý, theo đó những người đầu tư ít nhất 2,5 triệu đô la Singapore vào một doanh nghiệp, quỹ hoặc văn phòng gia đình có thể đăng ký thường trú.

Grace Tang, giám đốc điều hành của Phillip Private Equity, công ty điều hành một trong hai quỹ của chương trình nhà đầu tư toàn cầu tại Singapore cho biết, ngay đầu năm mới, bà đã có nhiều cuộc gặp với các nhà đầu tư tiềm năng, hầu hết là người Trung Quốc.

Bà nói thêm, trong khi một số người thành lập văn phòng gia đình, nhiều người khác đang thành lập trụ sở kinh doanh tại Singapore hoặc đầu tư vào các quỹ có trụ sở tại nước này.